Một lãnh đạo ở công ty tớ từng chia sẻ thế này: “Hồi còn trẻ, chị từng nghĩ rằng cốt lõi của công việc là hiệu suất kinh doanh. Nhưng không, việc kinh doanh hoàn toàn xoay quanh con người.” – Nguyên văn: “When I was young, I used to think business is just business. But later, I came to realize that no, business is all about people.”
Khi đi làm (đặc biệt tại các tập đoàn), việc tạo ra kết quả là quan trọng, nhưng điều quan trọng không kém là cậu đã tương tác với đồng nghiệp thế nào trong quá trình tạo ra kết quả đó nữa. Cậu đâu muốn hoàn thành một dự án xuất sắc, nhưng cãi nhau với cộng sự đến mức không nhìn mặt họ được lần nữa, và khỏi làm luôn những dự án tiếp theo, phải không?
Ở những nền văn hoá có tính cộng đồng cao, như Việt Nam, mối quan hệ tốt là điều tạo nên sự khác biệt khi đi làm. Cậu không có mối quan hệ tốt với người ta, thì cậu yêu cầu 1, giỏi lắm thì người ta cung cấp đủ 1 theo đúng quy trình (có cung cấp đủ 1 là may rồi đó). Nhưng khi cậu có mối quan hệ tốt, cậu yêu cầu 1, người ta sẵn sàng cho 2, 3… – họ sẵn sàng đưa ra giải pháp chất lượng cao hơn, tốc độ phản hồi nhanh hơn… so với mức chuẩn trong quy trình. Và chất lượng hỗ trợ, tốc độ phản hồi từ các đối tác lại trực tiếp cấu thành kết quả làm việc của mình.
Và trong không gian có hạn của bài viết này, tớ xin phép chia sẻ một tip để ta KHÉO hơn trong giao tiếp. Lưu ý: đây là tip truyền tải thông điệp vừa đủ ý, vừa tôn trọng cảm xúc của cộng sự, chứ không phải tip nịnh đầm nha.
Ví dụ, khi thấy đồng nghiệp viết sai một thông tin trong email, cậu sẽ báo cho họ như thế nào?
Phiên bản 1: “Anh viết sai đoạn … rồi anh ơi!”
Phiên bản 2.1: “Có phải ở chỗ này, ý anh là … không ạ?”
Phiên bản 2.2: “Ở đoạn …, mình có thông tin cập nhật so với lúc mình họp sáng nay ạ?”
Phiên bản 1 sử dụng ngôn ngữ buộc tội: anh sai rồi, chị thiếu rồi, bạn nhầm rồi… Việc đặt người bên kia ở chủ ngữ, ghép cùng vị ngữ là động từ thể hiện sự sai, dễ làm người nhận cảm thấy bị công kích, thậm chí tạo cho người nhận cảm giác cậu đánh giá thấp năng lực của người ta. Một cách tự nhiên thì, chẳng ai muốn nghe lời phê bình hay buộc tội cả, nên nhìn thấy/ nghe thấy phiên bản 1, đồng nghiệp của cậu dễ có cảm xúc không thoải mái trong lòng.
Phiên bản 2.1 và 2.2 gửi đi thông điệp tương tự, nhưng đơn giản là KHÔNG ĐỂ NGƯỜI NHẬN Ở CHỦ NGỮ; lời văn cũng thể hiện sự tin tưởng của ta vào năng lực của đối phương (nếu thông tin có sai, thì cũng chỉ là sai do nhầm lẫn, không phải do đối phương thiếu năng lực).
Một thông điệp, chỉ cần ĐỔI CHỦ NGỮ thôi, cũng tạo ra hiệu quả khác nhau đấy.
Tất nhiên, để hình thành được mối quan hệ mà hai bên tin tưởng nhau, thì không phải ngày một ngày hai, sử dụng vài cái trick, hay đọc “Đắc Nhân Tâm” xong là có ngay được.
Đối với viêc xây dựng kết nối khi đi làm, tớ cho rằng “tiểu tiết làm nên anh hùng”. KHÉO léo trong câu chữ ta nói với người ta, nói về người ta, thì ta có thể dần tạo nên những mối liên kết vững chắc.