5 cuốn sách thay đổi nhân sinh quan của tớ

Mỗi chúng ta, trong cuộc đời, đều sẽ gặp những người, những vật, những sự kiện làm thay đổi một phần hoặc toàn bộ cách ta nhìn thế giới. Trong bài viết hôm nay, tớ sẽ giới thiệu đến cậu 5 cuốn sách mà nói không ngoa thì: khi gấp lại mỗi cuốn dưới đây, tớ đã không còn là con người trước khi bắt đầu đọc chúng nữa.

(Danh sách dưới đây được liệt kê theo trình tự thời gian tớ tiếp xúc với mỗi cuốn sách.)

1) 7 Habits For Highly Effective People – Stephen R. Covey

Đây hẳn là một tác phẩm kinh điển về chủ đề phát triển bản thân đi. 7 thói quen được giới thiệu trong sách đã trở thành kim chỉ nam giúp tớ điều hướng cuộc đời, là những nguyên tắc cốt lõi, bất biến, giúp tớ tìm ra cách xử lý bất kỳ điều gì trong cuộc sống (thật nha, không phải nổ đâu).

Một lời khuyên từ tớ về việc đọc quyển sách này: Đọc từ từ thôi, vừa đọc vừa ngẫm cách áp dụng nội dung trong sách vào cuộc sống của mình; và dành thời gian để lâu lâu đọc lại một lần, vì đây không phải là cuốn sách chỉ chạm một lần mà thấm nhuần được mọi thứ.

The 7 Habits of Highly Effective People - Leader In Me

2) Wabi Sabi – Beth Kempton

Cậu cảm thấy chán ngấy dòng chảy cuồn cuộn của cuộc sống hiện đại? Cậu cảm thấy bị xao lãng bởi sự chèo kéo của chủ nghĩa tiêu dùng? Nếu vậy thì Wabi Sabi chính là cuốn sách đo ni đóng giày cho cậu đấy. Trong cuốn sách này, Beth Kempton giới thiệu đến người đọc về wabi sabi, một khái niệm Nhật Bản, có nguồn gốc từ Zen (thiền tông) và trà đạo.

Wabi sabi dạy chúng ta nhìn thấy vẻ đẹp trong sự không hoàn hảo, trân trọng sự đơn giản, và chấp nhận tính chất tạm thời của mọi thứ.

Việc đọc cuốn sách này là một trải nghiệm mở mang tầm nhìn đối với cá nhân tớ. Đóng sách lại, tớ bắt đầu tìm thấy hạnh phúc ở những điều nhỏ nhất: một món ăn ngon, đám mây trên trời, một mùi hương dễ chịu… Tớ học được rằng: cuộc sống không cần phải hoàn mỹ để có ý nghĩa, và tớ không nhất thiết phải sống vội trong chuyến du lịch 70 năm đến trái đất của mình.

Một lời khuyên từ tớ về việc đọc quyển sách này: Nếu có điều kiện, cậu hãy tìm đọc bản giấy của sách gốc (tiếng Anh) nhé – hình minh hoạ ở dưới. Từ chất liệu bìa sách, chất giấy ruột sách, mùi giấy, cho đến cách căn lề và phông chữ… mọi thứ của quyển sách giấy đều ôm trọn tinh thần wabi sabi. Đến tận khi đọc lại lần thứ 2, tớ mới phát hiện được sự tinh tế trong thiết kế của cuốn sách này.

Bên cạnh đó thì, đây là một bài viết từ Born To Roar 777, được viết với cảm hứng từ những gì tớ học được từ cuốn sách: Bốn bí mật của sự nghiệp wabi sabi.

WABI SABI by Beth Kempton - THE Stylemate

3) Atomic Habits – James Clear

Đây là một cuốn sách siêu thực chiến về cách xây dựng một hệ thống các thói quen phục vụ cho ta, thay vì chống lại ta.

Thường thì mọi người nói rất nhiều về tầm quan trọng của “động lực”, nhỉ? Nhưng sau khi đọc cuốn sách này, tớ nhìn động lực đơn thuần như món khai vị của một bữa ăn. Còn món chính – yếu tố then chốt quyết định một mong muốn có trở thành hiện thực hay không – là môi trường, là hệ thống, là các thói quen.

Cá nhân tớ đã áp dụng những nguyên tắc trong Atomic Habits để tạo ra những thay đổi quan trọng trong cuộc sống của mình, từ thiết lập thói quen tập yoga đều đặn, cho đến quản lý những công việc ở góc phần tư số II (quan trọng nhưng không khẩn cấp). (*)

(*) Góc phần tư số II là một khái niệm về quản lý thời gian được nêu trong 7 Habits of Highly Effective People.

Cậu có thể đọc bài review chi tiết cuốn Atomic Habits TẠI ĐÂY nhé.

Atomic habits - Cuốn sách giúp mình mỗi ngày tốt hơn 1% -

4) Sapiens: A Brief History of Humankind – Yuval Noah Harari

Cuốn sách này vẽ ra một bức tranh toàn diện về nguồn gốc và sự phát triển của loài người, về những thứ chúng ta đã tạo ra, và đã từ bỏ, trên con đường trở thành giống loài thống trị trái đất.

Từ nhỏ, tớ may mắn được tiếp xúc với vô số sách, tài liệu về văn hoá, tôn giáo, chính trị của những nền văn minh khác nhau, những quốc gia khác nhau, những thời kỳ lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, phải đến khi đọc Homo Sapiens, tớ mới tự xâu chuỗi, và mở rộng được những gì tớ đã biết về nguồn gốc và sự phát triển của xã hội loài người.

Một lời khuyên từ tớ về việc đọc quyển sách này: Cho bản thân nhiều thời gian với Sapiens, đơn giản vì sách nhiều chữ, và nặng trĩu thông tin; bên cạnh đó, nhớ tiếp nhận các thông tin được tác giả đưa ra một cách thông minh (critical) nhé.

Yuval Noah Harari: Sapiens. A Brief History of Humankind • vselepoinprav.si

5) Stumbling On Happiness – Daniel Gilbert

Bộ não giống như đứa bạn thân của mình vậy. Mình tin nó, và nó tin mình. Nhìn chung thì nó cũng mong muốn những thứ tốt đẹp nhất cho mình đấy. Nhưng mà, nhiều khi, đứa bạn thân này hơi ngok ngheck, và không phải cái gì nó nói cũng đúng, không phải cái gì nó chọn cho mình cũng tốt, đặc biệt nếu tính về lâu dài.

Hiểu về cách não hoạt động, biết rõ những thiên kiến, lỗi nguỵ biện mà “đứa bạn thân” này hay mắc phải, chắc chắn ta sẽ đưa ra những quyết định thông minh hơn cho bản thân đấy. Và Stumbling On Happiness là một cuốn sách sẽ giúp cậu mở rộng hiểu biết về khía cạnh trên.

Một lời khuyên từ tớ về việc đọc quyển sách này (hay là bất kỳ cuốn sách nào trong danh sách nêu trên): đọc đến đâu, nhớ lưu lại những điểm chính yếu cậu muốn ghi nhớ và áp dụng trong cuộc sống của mình.

Quay lại với quyển sách, vì sao lại là “Vấp phải hạnh phúc” (chứ không phải “Đi tìm hạnh phúc”, hay “Kiến tạo hạnh phúc”) ấy hả? Theo tác giả Daniel Gilbert, nhiều khi bộ não của ta ngok nghek quá, nên chính nó cũng không biết cái gì sẽ làm bản thân hạnh phúc đâu. Điều này tương đương với: khi ta đưa ra một quyết định mà ta nghĩ là tốt, chỉ có 50% khả năng quyết định đó sẽ thực sự làm ta-của-tương-lai thấy hạnh phúc. Và xác suất 50% này cũng ngẫu nhiên như xác suất “vấp phải” một cục đá hạnh phúc khi đi đường vậy.

Cụ thể sự ngok ngheck của bộ não con người là thế nào? Làm thế nào để bớt ngok ngheck? Đọc Stumbling On Happiness đi thì biết.

Book Summary: Stumbling on Happiness by Dan Gilbert

P.s.

Một “cảnh báo” nho nhỏ: Một tác dụng phụ của việc đụng vào những cuốn sách trên đây có thể là việc bị… mất phương hướng sau khi đọc đấy, nếu (chẳng may) cậu nhận ra những thứ bản thân đang theo đuổi thực ra… cũng chẳng quan trọng đến thế.

Nhưng câu hỏi là: Giữa biết-mà-đau-khổ, và không-biết-mà-vui-vẻ, thì cậu muốn điều gì hơn?

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top