*Một lần nữa soi chiếu thái độ sống kiến tạo/ “proactive”, lần này trong bối cảnh công việc.
Từ một câu chuyện trong sách…
Trong cuốn sách “Thói Quen Thứ 8” (Chương 7), Stephen R. Covey có kể câu chuyện thế này:
Ngày xửa ngày xưa (cách đây mấy chục năm), ở một công ty bảo hiểm nọ, top 20 tư vấn viên giỏi nhất công ty tụ thành nhóm Tinh Hoa. Các thành viên của nhóm Tinh Hoa hội họp hàng quý để trao đổi ý tưởng.
Trong một lần họp nọ, nhiều thành viên đồng thời chia sẻ sự thất vọng về các hoạt động huấn luyện công ty đang cung cấp cho đội ngũ tư vấn viên. Theo đánh giá của họ, các chương trình huấn luyện đều thiếu thực tế và thiếu sự tương tác. Thấy vấn đề là vậy, nhưng họ cho rằng bản thân không có quyền hành hay trách nhiệm gì liên quan đến công tác huấn luyện của công ty cả, và định chỉ than phiền (cho sướng) vậy thôi.
Nhưng tác giả Covey – người lúc đó đang là cố vấn cho nhóm Tinh Hoa – đã đặt vấn đề: Thực ra, nếu nhóm Tinh Hoa thực sự muốn, họ hoàn toàn có thể tạo ra thay đổi. Họ là những tư vấn viên giỏi nhất của công ty, và họ có thể kết nối và đề xuất ý tưởng với bất kỳ ai trong ban lãnh đạo công ty cơ mà?
Cùng sự hướng dẫn và động viên từ Covey, nhóm Tinh Hoa đã quyết định tiếp cận ban lãnh đạo công ty. Họ trình bày điều khiến họ quan ngại về công tác huấn luyện hiện tại, xem xét góc nhìn của ban lãnh đạo, rồi đề xuất các thay đổi. Kết thúc rất có hậu: Các đề xuất của họ nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt, và được xúc tiến triển khai ngay.
Đến câu chuyện của tớ…
Thực ra, câu chuyện này được Covey dùng để dẫn dắt vào mô hình ethos – pathos – logos. Nhưng với cá nhân tớ, câu chuyện như một lời khẳng định, giúp tớ tự tin hơn về sự đúng đắn của một nguyên tắc làm việc mà bản thân đã áp dụng 3 năm qua: Không đợi một việc thuộc “trách nhiệm” của mình mới bắt đầu suy nghĩ và đưa giải pháp.
Tớ từng gặp một dự án, nơi các thành viên đều là quản lý, quá bận rộn với các công việc sẵn có của bộ phận mình, khó dành thời gian điều phối và bao quát tiến độ chung của dự án. Nhận thấy mùi bất ổn, tớ đã xung phong làm project manager, hỗ trợ sếp lên kế hoạch và theo dõi, thúc đẩy tiến độ dự án đó.
Nhiều lần khác, khi tớ “ngửi” thấy một vấn đề hay cơ hội tiềm năng, thì dù vấn đề không thuộc thẩm quyền hay chuyên môn của tớ, tớ vẫn chủ động nêu ý tưởng với sếp. Và khi nhận chỉ thị “em nghiên cứu thêm rồi cho chị đề xuất”, tớ hăm hở nhận kim bài và triển ngay.
Khỏi nói, việc được làm những thứ nằm ngoài JD (job description – bản mô tả công việc), ngoài vùng an toàn như vậy cho tớ cơ hội nâng cấp tư duy, gặp gỡ nhiều người, học hỏi nhiều thứ, từ đó nâng cấp bản thân!
Từ một thái độ…
Thực ra thì, mọi người có nhiều cách để gọi thái độ làm việc như trên lắm.
Trong 7 Habits of Highly Effective People (Stephen Covey), chúng ta có thói quen số 1: “Be proactive” – “Sống kiểu kiến tạo”.
Trong The 8th Habit (Stephen Covey), chúng ta có: “Leadership is a choice, not a position”.
Ở công ty tớ làm việc, “Ownership” là một trong 4 giá trị văn hoá cốt lõi.
Còn bố tớ bảo “Con đường là do mình chọn”.
…
Trong môi trường công việc hay đời sống cá nhân, nếu thực sự muốn, ta luôn có thể chủ động tạo ra thay đổi. Chỉ là, ta có dám chấp nhận cái giá phải trả cho sự chủ động đó hay không thôi (công sức, thời gian, mối quan hệ, tiền bạc…)
Cá nhân tớ cho rằng: thái độ này là cần thiết để ta có thể sống một cuộc đời đáng sống trong mấy chục năm đến trái đất này.
Đến một vài câu hỏi mở rộng…
1⃣ “Đã đi làm phải luôn luôn nhìn rộng hơn, làm nhiều hơn JD?”
Không.
Qua bài viết này, tớ muốn cổ vũ cho tinh thần sống chủ động – làm chủ cuộc sống, làm chủ công việc. Nhưng, tớ KHÔNG cho là ta phải LUÔN LUÔN giơ tay làm thêm, nhận thêm việc.
Chỉ làm tròn nhiệm vụ trong JD, hay hăng hái nhận thêm việc, sẽ tuỳ vào mục tiêu của cậu ở từng giai đoạn. Nếu cậu đặt mục tiêu thăng tiến, hay muốn đóng góp một cách ý nghĩa cho tổ chức, hay muốn phát triển bản thân, thì tớ tin là ta không thể nào chỉ cho phép bản thân nghĩ và làm trong khuôn khổ JD được. Ngược lại, nếu công việc với cậu chỉ là nơi tạo ra thu nhập, thì làm tròn JD là cách tiếp cận phù hợp hơn.
2⃣ “Chủ động tạo ra thay đổi, nhưng có giới hạn nào cho những thay đổi mà chúng ta chọn không?”
Có.
Ta nên tập trung vào những thay đổi nằm ngoài JD, nhưng nằm trong tầm ảnh hưởng của ta.
Kết luận
Thay lời kết, tớ sẽ để ở đây một đoạn trích từ cuốn sách The 8th Habit:
“You can see that no matter what issue, problem or concern you have, you can empower yourself by taking initiative in some way. Be sensitive, be wise, be careful regarding timing, but do something about the situation. Avoid complaining, criticizing or being negative; be especially wary of absolving yourself from responsibility and simply blaming “them” for failures. We live in a culture of blame—a full 70 percent of xQ respondents say that people in their organization tend to blame others when things go wrong. So taking responsibility will mean swimming against the current.”
“Bạn thấy đấy, với bất kể vấn đề hay mối quan tâm nào bạn gặp phải, bạn có thể tự làm cho mình mạnh mẽ bằng cách chủ động làm một cái gì đó. Hãy nhạy bén, khôn ngoan và cẩn trọng về thời điểm thực hiện, nhưng hãy thực hiện một điều gì đó để cải thiện tình hình. Tránh phàn nàn, chỉ trích hoặc suy nghĩ tiêu cực; đặc biệt, đừng cho rằng bản thân không có lỗi, và đổ lỗi cho “họ” về thất bại. Chúng ta sống trong văn hóa đổ lỗi – 70% người tham gia khảo sát xQ cho biết những người trong tổ chức của họ thường đổ lỗi cho người khác khi có vấn đề. Vì vậy, việc dám chịu trách nhiệm sẽ đồng nghĩa với việc phải bơi ngược dòng.”
Mà bơi ngược dòng thì không bao giờ dễ cả.