“Mặt trái” của thương hiệu cá nhân

1.

Tháng 9/2021, tớ bắt đầu viết. Những bài viết đầu tiên của tớ được chia sẻ tại trang Facebook cá nhân, nhận được sự ủng hộ lớn từ friend list.

Hình tượng “Linh Writer” bắt đầu được xây dựng. Tớ đăng tải những bài viết đầy chiêm nghiệm; chia sẻ những nội dung sâu sắc, chỉn chu từ những thought leader hàng đầu, từ Harvard Business Review, VnExpress, The School of Life…

Nhưng sau 3 tháng, tớ để ý bản thân dần co mình lại trong không gian mạng xã hội.

Mỗi lần có một bức ảnh xinh muốn chia sẻ, tớ phải vắt óc suy nghĩ caption cho sâu sắc, cho chuẩn writer. Vài lần, việc nghĩ caption nhức óc quá, tớ bỏ đăng ảnh luôn.

Mỗi lần lướt qua một video K-pop hay ho – mà trước đó tớ sẽ thoải mái share về Facebook kèm một caption vui vẻ kiểu fangirl – tớ lại căn vặn bản thân: “Mình không nên share video này phải không?”; “Share linh tinh sẽ làm loãng profile đó?”; “Mình đang xây dựng hình ảnh writer cơ mà?”…

Tớ cảm giác mình buộc phải giấu đi những khía cạnh “không đủ sâu sắc”, phải nhét bản thân vào bốn bức tường của thứ gọi là “hình tượng writer”. Bức bối.

2.

Vài năm trở lại đây, việc “xây dựng thương hiệu cá nhân” trở thành một chủ đề được quan tâm. Có vẻ như, trong thế giới hiện đại, phải có thương hiệu cá nhân thì ta mới tạo được niềm tin với người khác, phải có thương hiệu cá nhân thì con đường sự nghiệp mới rộng mở. Trong những khoá học xây dựng thương hiệu cá nhân, ta được hướng dẫn để chọn những bức ảnh đẹp nhất, những câu chữ gây ấn tượng nhất, chia sẻ những thành công liên quan đến lĩnh vực của ta.

Như câu chuyện “hình tượng writer” bên trên của tớ, để tạo ấn tượng với mọi người, ta cần xây dựng một hình tượng nhất quán. Nhưng có khả năng là: một thời gian sau, ta sẽ tự ép bản thân sống đúng với hình tượng đã xây dựng, hạn chế những khía cạnh không liên quan, thậm chí hạn chế sự thay đổi và phát triển.

Tác giả Nathan Jurgenson mô tả hiện tượng này bằng một câu khá thú vị: “Now that everyone knows you’re a dog, you can’t be anything but.”Bây giờ mọi người biết rằng bạn là một con cún, bạn không thể là gì khác được nữa. (Trong trường hợp cậu tò mò vì sao ở đây dùng hình ảnh “con cún”, thì phần giải thích chi tiết ở cuối bài nhé!)

Điều tớ muốn nói ở đây KHÔNG phải là “Thôi đừng xây dựng thương hiệu cá nhân nữa”. Tớ tin vào sức mạnh và tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu cá nhân. Nhưng đồng thời, chúng ta cũng cần nhận thức được rằng: bất kỳ một thương hiệu nào chúng ta đang xây dựng cũng chỉ là MỘT KHÍA CẠNH của bản thân thôi. Ví dụ: “Writer” là một phần của Linh, chứ không phải “Writer” = “Linh”; trong thực tế, Linh = “Writer” + “Yogi” +… n thứ khác nữa cơ. Và vì thế, nếu một lúc nào đó, ta cảm thấy muốn thay đổi bản thân, tuyệt đối đừng để cái gọi là “hình tượng” hiện tại kìm ta lại.

3.

Nhìn xa hơn “hình tượng” hay “thương hiệu cá nhân” một chút, ta nhận thấy vấn đề tương tự với những “label” (”nhãn dán”) ta tự dính lên bản thân.

Ví dụ:
Đầu tiên, ta để ý rằng bản thân sạc năng lượng khi ở một mình, và mất năng lượng khi ở cùng người khác.
⇒ “À, như vậy ta hẳn là người hướng nội.”
⇒ Một thời gian sau, chính ta lại dùng cái mác “hướng nội” để tự thuyết phục bản thân rằng “Mình sẽ không lên sân khấu phát biểu được đâu”, hoặc “Mình không nhận dự án này đâu, vì dự án này yêu cầu tiếp xúc với nhiều người quá”…

Chúng ta bắt đầu bằng việc quan sát chính mình ⇒ lựa một vài label để khái quát hoá những xu hướng suy nghĩ, hành vi chúng ta quan sát được ⇒ một thời gian sau, ta dùng chính label đó để định hướng hành động của bản thân.

Tóm lại…

“Thương hiệu cá nhân” hay “label” tồn tại để giúp người khác dễ hình dung hơn về ta. Ta hãy dùng chúng để tạo ra ấn tượng theo cách mà mình muốn; chứ đừng để chúng “dùng” ta – đừng gò ép quyết định, hành động, sự phát triển của bản thân mình vào trong những label, nhé.


On the Internet, nobody knows you're a dog... | Media Marketing

(*) “On the Internet, nobody knows you’re a dog.”“Trên Internet, không ai biết bạn chỉ là một con cún.” – là một meme nổi tiếng xuất hiện vào thập niên 90, ở thời kỳ Internet còn “sơ sinh”. Meme này đề cập đến tính ẩn danh của Internet thời kỳ đầu, khi bạn chỉ cần có kết nối mạng là có thể đăng tải, theo dõi bất kỳ điều gì, mà không ai có thể tìm ra bạn là ai.

Sau vài thập kỷ phát triển, Internet trở thành công cụ để người người nhà nhà thể hiện mình, khẳng định mình. Tính ẩn danh trên Internet không còn có ý nghĩa như những năm 90 nữa. Chính điều này dẫn đến “câu đối” từ tác giả Nathan Jurgenson dành cho meme gốc: “Now that everyone knows you’re a dog, you can’t be anything but.”

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top