Một câu chuyện từ 5 năm trước
Hồi đi thực tập, có một lần tớ lớ ngớ thế nào lại có mặt trong buổi coaching/ mentoring giữa hai lãnh đạo cấp cao của tập đoàn mỹ phẩm L., cụ thể là bác Group CEO và anh CEO (lúc đó mới bổ nhiệm) của L. Vietnam.
Trong buổi đó, tớ đóng vai một nhân viên người Việt, ngồi role play với anh Vietnam CEO. Dưới đây là sơ lược màn debriefing sau phần role play đó:
👨🦳 Bác Group CEO: “Tuyệt vời. Em rút ra được điều gì từ đoạn đối thoại vừa rồi?”
🧑🦱 Anh Vietnam CEO: “…” (tự nhận xét những điểm bản thân đã làm tốt và chưa tốt khi đối thoại với nhân viên)
👨🦳 Bác Group CEO: “Được rồi. Ghi nhận nhé.”
(quay sang Linh) “Còn cháu có nhận xét gì về cuộc trò chuyện?”
👩🦰 Linh: “Cháu nghĩ là các điểm chính thì anh Vietnam CEO vừa chia sẻ rồi.
Chỉ là cháu có để ý thêm một chi tiết nhỏ: Khi cháu nghe xong câu hỏi của ảnh, cháu sẽ cần 2-3 giây để suy nghĩ trước khi cất lời; nhưng thường ảnh sẽ không để 2-3 giây đó trôi hết, và sẽ ngay lập tức diễn giải lại câu hỏi, hoặc hỏi cháu có cần thêm thông tin gì không.
Còn khi ảnh nghe xong điều cháu nói thì ảnh có thể phản hồi ngay, không cần 2-3 giây ở giữa giống như cháu.
Cho nên, gần như trong 10’ vừa rồi, cuộc hội thoại không có khoảng nghỉ nào cả.”
👨🦳 Bác Group CEO: “Bác cũng nhìn thấy điều đó. Cảm ơn cháu nhé!”
(quay sang anh Vietnam CEO) “Em thấy đó, người Pháp mình hay có xu hướng điền vào mọi khoảng trống trong cuộc hội thoại, như thể chúng ta sợ sự im lặng vậy.
Một điều anh nhận ra sau khi làm việc với các đồng nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các đồng nghiệp tại châu Á, là sự im lặng tạo ra khoảng nghỉ cần thiết để chúng ta lựa chọn thông tin, nói ra những lời phù hợp hơn, giúp cuộc hội thoại trở nên ý nghĩa hơn.
Ta không nhất thiết phải “tiêu diệt” mọi khoảng trống trong cuộc hội thoại đâu…”
Khoảng trống trong cuộc sống
Trong cuốn “Yêu Những Điều Không Hoàn Hảo”, sư Hae Min có viết một đoạn thế này:
“Trong cuộc sống, nếu không có những khoảng nghỉ hoặc những khoảng trống
Thì cho dù cuộc sống có được lấp đầy bởi những thứ quý giá đến mức nào đi chăng nữa
Chúng ta cũng khó lòng vui vẻ tận hưởng”
Để hoàn thiện cuộc sống, bên cạnh xây dựng nên những thứ lớn lao, ta cần lưu ý tạo nên những khoảng không gian nghỉ ngơi cho chính mình nữa.
Nhưng một vấn nạn của thế kỷ 21 là mọi khoảng trống trong cuộc sống của chúng ta đều bị một thế lực nào đó (chủ nghĩa tiêu dùng, công nghệ, thậm chí chính bản thân ta…) xâm chiếm, nhồi đầy.
(Cậu có thể tham khảo 2 bài viết khác liên quan về chủ đề này: “Cò” công nghệ, “cò” quảng cáo, và n loại “cò” của thế kỷ 21; Thiếu vs. Thừa)
Nếu cậu đang cảm thấy ngột ngạt, quá tải, cậu có thể tham khảo một vài gợi ý dưới đây để tạo cho bản thân những khoảng nghỉ ngơi nhé:
- Luôn xuất phát sớm 10 phút so với dự định. Như thế, ta có thể đi đường thư thái hơn, nhìn trời, nhìn đất, nhìn người, cảm nhận được hiện tại trọn vẹn hơn.
- Khi ăn cơm, hãy chỉ ăn cơm thôi. Không vừa ăn vừa lướt Facebook, vừa ăn vừa làm, vừa ăn vừa xem phim. Ăn chậm, nhai kỹ, tập trung cảm nhận trọn vẹn vị của từng món ăn.
- Nếu trong nhà cậu có nhiều món đồ có cùng công dụng, hãy chỉ giữ món đồ tốt nhất và bỏ hết những thứ còn lại đi. Nếu trong nhà có quá nhiều đồ vật, thì không phải ta đang sở hữu chúng, mà chính những đồ vật ấy đang sở hữu ta đấy.
- Lọc tủ quần áo, bán hoặc cho đi những món đồ cậu đã không mặc trong 6 tháng qua, và khả năng cao sẽ không mặc trong 6 tháng tới.
- Mở điện thoại, xoá những app cậu đã không dùng trong 3 tháng qua, và khả năng cao sẽ không dùng trong 3 tháng tới.
- Luyện tập thiền, hoặc viết journal, chỉ 5 phút mỗi ngày thôi cũng được.
- Không dùng điện thoại/ máy tính trong 15’ trước khi đi ngủ.
- Luôn để điện thoại/ máy tính xa giường khi ngủ.
- Sử dụng kỹ thuật Pomodoro để tập trung làm việc trong khoảng thời gian ngắn, sau đó nghỉ ngơi và tái nạp năng lượng.
- Học cách nói “không”. Những người tự dưng thù ghét mình chỉ vì mình nói “không” thực ra cũng không xứng đáng làm bạn của mình đâu.
Lời kết
Để nhóm được lửa thì giữa những cây củi đốt cần có không gian trống. Nếu xếp những cây củi đốt quá chặt, không chừa lại chỗ trống nào, thì lửa sẽ rất khó bén vì thiếu không khí.
Hãy luôn đảm bảo cuộc sống của cậu có khoảng trống để không khí tràn vào, để giữ lửa cho tâm hồn nhé!
P.s.
Tặng cậu một đoạn trích, cậu có thể đăng nó lên story để tự thể hiện cam kết sẽ tạo khoảng trống trong cuộc sống của mình từ hôm nay nè:
“Chúng ta cần học cách bỏ trống.
Chúng ta luôn cố để lấp đầy
Nhưng sự hoàn thiện và sáng suốt lại nằm bên trong sự trống trải.
Không phải cứ suy nghĩ nhiều thì sẽ dễ dàng đưa ra quyết định
Hay những ý tưởng sẽ đua nhau hiện ra.
Hãy tin tưởng vào sự sáng suốt nằm bên trong sự trống trải
Và tự cho mình một phút nghỉ ngơi.”
Trích “Yêu Những Điều Không Hoàn Hảo” – Hae Min