Nguyên tắc “Muốn biết bơi, phải học bơi dưới nước”
Muốn biết bơi thì phải xuống nước tập. Chẳng ai tập đạp chân trên cạn, rồi tự nhủ là mình biết bơi rồi cả, phải không?
Ấy thế mà trong rất nhiều lĩnh vực khác của cuộc sống, ta chỉ tập luyện trong môi trường giả lập và tự cho rằng bản thân đã sẵn sàng, đơn giản vì “cảm giác” tập như thế là đủ rồi.
Một phương pháp để tối ưu hiệu quả của việc luyện tập bất kỳ điều gì (tức là tập luyện được 10, thì khi “lên sàn” cũng phải thể hiện đủ 10) được tóm gọn trong 2 dòng sau:
- Luyện tập trong môi trường y như khi ta “chiến đấu” thực tế.
- Rồi xác định những khía cạnh chưa nhuần nhuyễn, và tập trung cải thiện chúng.
Cậu có thể tham khảo 2 ví dụ từ trải nghiệm cá nhân của tớ dưới đây nè.
Ví dụ 1: Luyện thi học sinh giỏi tiếng Anh
- Mục tiêu: Nhớ và hiểu được càng nhiều mẫu câu, cấu trúc, cụm từ tiếng Anh nâng cao càng tốt
- Tập luyện kiểu “học bơi trên cạn”:
- Khi luyện đề tiếng Anh, viết luôn đáp án vào đề (khoanh vào đề, điền đáp án vào khoảng trống trong đề).
- Đến lúc ôn lại đề, vừa nhìn vào tờ đề đã ghi sẵn cả đề bài cả đáp án vừa lẩm nhẩm, cảm giác tự tin là mình đã hiểu và nhớ kiến thức đó rồi.
- Tập luyện kiểu “học bơi dưới nước” (tớ đã áp dụng và thành công):
- Khi luyện đề, luôn viết đáp án sang một tờ giấy khác, hoặc sang lề phải/ lề trái của đề. Đến lúc ôn lại đề, lấy giấy che đáp án đi, để bắt não thực sự “làm lại” các câu hỏi từ con số 0, giống như khi ngồi trong phòng thi thật.
- Sau đó, đánh dấu lại những câu hay quên, hoặc lưu lại những câu hay quên đó vào file Word riêng. Đến gần ngày thi, chỉ tập trung ôn lại những câu chưa nắm vững đã được đánh dấu, hoặc lưu trong file Word; không cần mở toàn bộ đề cũ ra ôn lại cả những kiến thức mình đã chắc chắn nữa (để tối ưu việc sử dụng thời gian).
Ví dụ 2: Luyện tập cho bài thuyết trình
- Mục tiêu: thể hiện một cách cuốn hút nội dung thuyết trình cùng slide mình đã chuẩn bị.
- Tập luyện kiểu “học bơi trên cạn”:
- Ngồi trước máy tính, mở slide và nhẩm trong đầu, hoặc trong miệng nội dung cần nói của từng slide.
- Tập luyện kiểu “học bơi dưới nước” (tớ đã áp dụng và thành công):
- Đứng lên, vừa nói nội dung vừa luyện ngôn ngữ hình thể (cử chỉ, ánh mắt, đi lại, thao tác với các công cụ…). Nếu có thể, tập luyện tại chính địa điểm mình sẽ thực hiện bài thuyết trình đó. Tập như đang thuyết trình thật.
- Lưu ý những nội dung mình hay quên, và/hoặc cần cải thiện. Tập đi tập lại những đoạn đó cho đến khi nhuần nhuyễn và tự tin.
Lời kết
Tớ tin rằng khi tập luyện, chúng ta cần bắt bản thân sử dụng đúng những cơ não, cơ bắp… mà ta cần sử dụng đến khi “lên sàn” thật, thì việc tập luyện mới đưa chúng ta gần hơn với thành công được. Giống như để biết bơi, ta bắt buộc phải tập dưới nước chứ không phải trên cạn, thế thôi.