Trước khi Gen Z ra đời – 1995 đổ về trước, xã hội (Việt Nam) có một nét đặc trưng là sự “thiếu thốn”.
Từ khi Gen Z ra đời – 1996 đến nay, xã hội (Việt Nam) bước vào giai đoạn “thừa mứa”.
Giả thiết của tớ là: Sự chuyển mình của xã hội từ “thiếu thốn” thành “thừa mứa” – tức sự thay đổi về tính chất môi trường sống – có thể là một trong những nguyên do giải thích vì sao tư tưởng Gen Z hay “choảng nhau” với các thế hệ trước.
Thời xã hội “thiếu thốn”
Ông bà, cha mẹ của Gen Z sinh ra và lớn lên trong thời chiến, và/hoặc thời bao cấp. Đây là thời kỳ mà bát cơm trắng ăn với cái đùi gà là một điều vô cùng xa xỉ.
Một câu chuyện điển hình về thời kỳ này mà tớ từng nghe khi còn bé: Ông tớ là em út trong nhà. Vào một hôm ăn giỗ, ông đã phải cố tình đi chơi về muộn, vì ông biết nếu ông không có mặt, người lớn khả năng cao sẽ để dành lại đùi gà cho con út – tức là ông; còn nếu ngồi ăn cùng mọi người ngay từ đầu, khả năng cao ông sẽ phải tranh phần cái đùi gà đó với các anh chị em khác.
Đây cũng là thời kỳ đã sản sinh ra nhiều khái niệm, cụm từ vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay. Tiêu biểu như:
“MẤT SỔ GẠO”
-
- Nguồn gốc: Làm mất cuốn sổ lương thực cho phép hằng tháng được mua một lượng lương thực nhất định với giá rẻ thời bao cấp.
- Nghĩa mở rộng: Đang gặp phải nỗi buồn to lớn sâu sắc, và/hoặc gặp sự xui xẻo.
“ĐẶT GẠCH”
-
- Nguồn gốc: Thời bao cấp, người Việt Nam thường dùng viên gạch để thay mình xếp hàng khi cần đi đâu đó trong lúc chờ cấp phát nhu yếu phẩm theo tem phiếu.
- Nghĩa mở rộng: đóng trước khoản tiền đảm bảo sẽ mua một món đồ nào đó, hoặc đặt chỗ “xí trước” khi mua hàng.
Trong một hoàn cảnh sống như vậy, cách duy nhất để người ta tồn tại là (1) tích trữ, tiết kiệm, và (2) sống hoà hợp với cộng đồng.
(1) Người ta cần tích trữ vì no nay đói mai, không biết bao giờ được phát cái áo mới, được nhận phần thịt mới. Đồ đạc không sử dụng nữa cũng không dám vất đi, vì sợ sau này cần lại không có đồ để dùng.
(2) Người ta cần quên đi bản thân để hoà vào cộng đồng. Thời đó, “bà con chòm xóm” là nguồn lực duy nhất để hỗ trợ trong trường hợp ốm đau, đói rách, tìm việc làm… – chứ làm gì có nhiều bệnh viện, công ty dịch vụ… như bây giờ. Tách mình khỏi “bà con chòm xóm” ắt sẽ khổ, chắc chắn sẽ rất khổ.
Thời xã hội “thừa mứa”
Gen Z, và sau này là Gen Alpha, lớn lên trong một xã hội thừa mứa.
Nếu được đưa cho một bát cơm trắng với cái đùi gà, chúng ta không những không thấy cảm kích, mà thậm chí còn từ chối “thôi ạ, con không ăn đâu, béo lắm”.
Chủ nghĩa tiêu dùng lên ngôi, chúng ta bị nhấn chìm trong vật chất. Ngày xưa đợi mòn mỏn chưa chắc đã mua được tuýp kem đánh răng; giờ đây, ra siêu thị mua kem đánh răng, ta phải cân nhắc giữa ít nhất cả chục lựa chọn khác nhau: Colgate hay Sensodyne? Nếu Sensodyne thì chọn loại bạc hà, hay than tre, hay làm trắng răng…?
Một khía cạnh khác của sự thừa mứa trong thế kỷ 21 là thừa mứa thông tin. Nếu trước đây, mỗi người chỉ tiếp xúc với thông tin qua truyền hình, sách báo giấy, và lời truyền miệng; thì hiện tại, trong một ngày, thông tin từ khắp nơi đập vào mắt, vào tai ta qua điện thoại, máy tính, biển hiệu…
“Bạn được tặng code 15K khi đi GrabBike”; “Chúc mừng bạn đã đủ điều kiện để mở thẻ tín dụng Platinum X…”; “Ông Zelensky trả lời mơ hồ về chiến dịch phản công – Đọc ngay”…; “A đã bình luận trên ảnh của bạn”; Email từ sếp “Dear em…”; …
Cậu đã bao giờ đếm xem một ngày, bao nhiêu notification đập vào mắt cậu chưa? Còn tớ tặng cậu một miếng thông tin này nè: Chỉ tính riêng quảng cáo (không tính thông báo liên quan tin nhắn, email, tài khoản mạng xã hội cá nhân), mỗi ngày, một người tiếp nhận 4,000-10,000 mẩu quảng cáo rồi (theo Red Crow Marketing).
Cùng với khả năng đưa thông tin đến khách hàng mọi lúc mọi nơi, sự lên ngôi của thẻ tín dụng, thương mại điện tử, dịch vụ giao hàng… làm cho việc mua sắm dễ dàng hơn bao giờ hết.
Ngược với thế hệ trước, chúng ta có quá nhiều cơ hội mua hàng, và cám dỗ mua hàng. Và giống như máy tính khi bị yêu cầu xử lý quá nhiều tác vụ cùng lúc, não chúng ta “đơ”, và mệt mỏi dần đều trước quá tải thông tin và lựa chọn.
Trong một hoàn cảnh sống như vậy, cách duy nhất để Gen Z tồn tại là (1) thanh lọc và (2) xây dựng chuẩn mực cá nhân.
(1) Người ta cần thanh lọc đồ dùng, quần áo, thông tin, thực hiện digital detox… để giúp bản thân không bị quá tải, để có thể tập trung vào những thứ thực sự quan trọng. Chủ nghĩa tối giản lên ngôi.
(2) Người ta cần xây dựng chuẩn mực cá nhân, vì giờ đây, bản thân cái gọi là “chuẩn mực” cũng có quá nhiều lựa chọn. Nếu thế hệ trước chỉ tiếp xúc với hệ giá trị của “bà con chòm xóm”, của khu vực, vùng miền; thì Gen Z giờ đây tiếp xúc với những hệ văn hoá, tư tưởng từ khắp mọi ngõ ngách trên thế giới: Đông một chút, Tây một chút, hiện đại một chút, truyền thống một chút… Tự mỗi người lại phải tự tìm cách trộn các hương vị để pha ly sinh tố của riêng mình.
Chủ nghĩa cá nhân lên ngôi, và được hỗ trợ bởi một cấu trúc xã hội mới, sự vận hành của nền kinh tế mới. Các dịch vụ khám chữa bệnh, bảo hiểm, công ty dịch vụ, v.v., ra đời, giúp cho mỗi cá thể có thể sống độc lập, mà chẳng cần đến sự ủng hộ từ “bà con chòm xóm” như ngày trước.
Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời
Đợt này, tớ đang cày FROM – series phim kinh dị, giả tưởng lấy bối cảnh là một ngôi làng ở một vũ trụ song song, nơi những con quái vật xuất hiện mỗi khi mặt trời lặn và đe doạ tính mạng con người.
Tớ vu vơ tự hỏi: giả sử tớ là một nhân vật bị mắc kẹt trong một thế giới khắc nghiệt đến thế, liệu tớ – một Gen Z đã quen “thanh lọc” – có chịu tích trữ đồ không?
Tớ nghĩ là không. Có thể tớ sẽ tạo một nhà kho riêng để trữ vừa đủ đồ dự phòng, nhưng chắc chắn sẽ không bày đồ đạc, lương thực, trong không gian sống hàng ngày của mình. Vì chỉ nghĩ đến việc có quá nhiều đồ dùng thôi, tớ đã thấy căng thẳng và khó chịu rồi…
Thế mới thấy, một khi thế giới quan đã định hình, thì rất khó thay đổi. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời là vậy.
Việc Gen Z yêu cầu cha mẹ, ông bà phải ngừng tích trữ đồ đạc, ngừng quan tâm người khác nghĩ gì, cũng “buồn cười” chẳng kém việc cha mẹ, ông bà bắt Gen Z phải mua nhiều đồ hơn, hay chạy theo một chuẩn mực nào đó chỉ để vừa lòng “bà con chòm xóm” vậy.
Các thế hệ sẽ luôn lớn lên và định hình thế giới quan của mình trong những hoàn cảnh sống khác nhau. Cho nên, sự khác biệt thế hệ sẽ luôn tồn tại, và cây cầu để nối liền sự khác biệt ấy sẽ luôn đến từ tinh thần thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau.