Mấy năm gần đây, không khó để ta gặp câu nói “Gen Z là thế hệ vượt sướng” trên mạng, ngoài đời.
Khi nói rằng Gen Z (hay “bọn trẻ ngày nay”) “sướng”, hẳn người nói đang muốn đề cập đến sự đủ đầy về mặt vật chất của xã hội hiện đại mà giới trẻ được thụ hưởng? Nhưng Gen Z có thực sự “sướng” không?
Thời xưa không có đồ để ăn. Thời nay thì thừa mứa đồ ăn, nhưng những vấn nạn thực phẩm bẩn, nhiễm hoá chất, cũng tăng.
Thời xưa không có sách vở, thông tin. Thời nay thì thông tin phong phú, dễ tìm, nhưng cái gọi là “thông tin” cũng đập vào mắt, vào tai 24/7, thật giả lẫn lộn. Chúng ta gần như không được ngừng tiếp nhận thông tin một giây một phút nào.
Thời xưa, nếu làm việc chăm chỉ từ con số 0, ba mẹ chúng ta có thể tậu được đất, mua được nhà. Nhưng thời bây giờ, nếu chỉ mài mông làm thuê, việc mua nhà từ “hai bàn tay trắng” ở tuổi 40 là gần như bất khả.
Mẹ tớ hay bảo: “Mẹ thấy các con bây giờ áp lực nhiều quá”.
Đúng, thế kỷ 21, điều kiện vật chất tốt hơn nhiều, tuy nhiên đi cùng với nó là áp lực cạnh tranh cao, độ đào thải cao, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Nói như vậy không phải phủ nhận những khó khăn của thời trước, mà để khẳng định rằng: Mỗi thời đều có cái thuận lợi và cái khó riêng.
Đúng, thế kỷ 21, điều kiện vật chất tốt hơn nhiều, tuy nhiên đi cùng với nó là áp lực cạnh tranh cao, độ đào thải cao, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… Thời xưa, về cả nghĩa đen và nghĩa bóng, người ta bị “suy dinh dưỡng”; thời nay, người ta bị “béo phì”.
Nói như vậy không phải phủ nhận những khó khăn của thời trước, mà để khẳng định rằng: Mỗi thời đều có cái thuận lợi và cái khó riêng. Có ai lại so sánh xem người suy dinh dưỡng khổ hơn, hay người béo phì khổ hơn bao giờ? Cuộc đời không phải là cuộc thi xem ai khổ hơn ai, nên điều chúng ta cần làm không phải là dè bỉu nhau, mà là thấu hiểu cho nhau.
Theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học (còn gọi là Từ điển Hoàng Phê), “sướng” được định nghĩa là “được đầy đủ, thỏa mãn như ý muốn về đời sống”. Từ chính định nghĩa này, rõ ràng, “sướng” là một khái niệm mang tính chủ quan cao.
“Sướng” với ba mẹ mình – thế hệ lớn lên trong sự thiếu thốn – có thể là một căn nhà đầy đủ vật dụng; nhưng “sướng” với mình – thế hệ lớn lên trong sự thừa mứa – có thể là một không gian sống thật tối giản, ít đồ. Hai cái “sướng” này, dù khác nhau, đều đúng, đều cần được tôn trọng.
Cho nên, lần tiếp theo cậu thấy ai đó nói “Gen Z là thế hệ vượt sướng”, chỉ cần từ tốn hỏi xem, họ định nghĩa “sướng” là gì. Nếu “sướng” của họ vốn đã khác “sướng” của mình, và họ không có vẻ gì là sẵn sàng tiếp nhận một định nghĩa khác về chữ “sướng”, thì ta đâu cần tốn thời gian phân biện, phải không?