Trước ghi cậu bắt đầu, tớ gửi cậu vài dòng ghi chú nè:
Bài viết này có tính tản mạn cao, hầu như tớ chỉ kể chuyện cá nhân. Tớ đã cân nhắc có nên đăng trên blog hay không, vì chưa biết nó sẽ add value cho người đọc thế nào. Nhưng rồi tớ quyết định vẫn publish. Giá trị có hay không, nằm ở đâu, thì để chính cậu – người đọc – quyết định là hơn.
Giờ thì bắt đầu bài viết nào! :’>
Dạo gần đây, nhiều việc xảy ra, vi mô và vĩ mô, làm tớ nhận thức sâu sắc những đặc quyền mà cá nhân tớ đang có. Nếu diễn đạt thậm xưng, “đặc quyền” là những gì người khác cần cố gắng mới đạt được, còn mình thì chẳng cần làm gì cũng nghiễm nhiên có.
Ví dụ: Đặc quyền về ngôn ngữ khi là người dân tộc Kinh sinh sống tại Việt Nam. Trong khi các bạn dân tộc thiểu số cần bỏ thời gian, công sức học tiếng Việt phổ thông (ngôn ngữ chính thức của Việt Nam), thì một cách tự nhiên, các bạn dân tộc Kinh (bao gồm mình) đã nói tiếng Việt phổ thông từ khi cha sinh mẹ đẻ ra rồi.
1. Tớ có đặc quyền “sinh ra và lớn lên trong một gia đình đủ đầy về cả tinh thần và thể chất”
Hồi thi Management Trainee công ty Gờ, tớ đã stand out “cực mạnh” giữa mấy chục thí sinh đơn giản vì: Sau giờ nghỉ trưa, tớ thấy một chị nhân viên đang chuẩn bị dụng cụ cho hoạt động buổi chiều. Không nghĩ gì nhiều, tớ tiến lại và cùng chị ấy set up cho nhanh hơn.
Cuối giờ chiều, hành động đó của tớ được assessor nêu ra là một điểm cộng lớn, thể hiện tinh thần “nói được làm được”. Tớ đã khá bất ngờ, vì hành động đó của tớ hoàn toàn bản năng.
Từ nhỏ, ba mẹ tớ nhiều lần dạy là thấy việc thì phải chủ động làm, không phải bảo mới làm. Thấy quần áo đã khô phải biết mang vào gấp. Thấy nhà bẩn phải tự biết mà dọn. Bảo cắm cơm thì không phải cắm mỗi nồi cơm rồi bỏ đấy, mà phải biết chuẩn bị đồ ăn, xếp bát xếp đũa, rót mắm sẵn ra mâm.
Ba mẹ tớ hỗ trợ (support), không quản chế (control). Ba mẹ dạy tớ nên làm gì, rồi thả cho tớ tự va vấp, nhưng luôn sẵn sàng mở rộng vòng tay khi tớ cần hỗ trợ bất kỳ điều gì. Đến tận cấp 3 và đại học, nghe được nhiều câu chuyện và phụ huynh của bạn bè, trên mạng, tớ mới nhận thức được là không phải ai cũng may mắn có phụ huynh như vậy.
“Đặc quyền” đầu tiên của tớ là được sinh ra và lớn lên trong một gia đình đủ đầy về cả tinh thần và thể chất, là KHÔNG phải chật vật từng ngày để kiếm cơm trong 18 năm đầu đời, là KHÔNG phải giải quyết những xung đột không thể hàn gắn với người thân… Nếu tớ là một cái cây, thì nền tảng gia đình đã tạo cho tớ một bộ rễ vững chắc; trong cuộc đời sau này, cành có thể gãy, lá có thể bay, nhưng tớ sẽ không bao giờ bị bật gốc.
2. Tớ có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin nhạy bén (hơn mức trung bình?)
Đây là giả thiết duy nhất tớ có được đến thời điểm này về việc vì sao tớ luôn nằm trong nhóm đứng đầu lớp trong suốt quá trình đi học. Tất nhiên tớ có nỗ lực, nỗ lực nhiều. Nhưng sự thực là: nhiều khi cùng một mức độ nỗ lực, tớ lại đạt kết quả cao hơn các bạn đồng trang lứa.
Không chỉ là tiếp nhận kiến thức nhanh hơn, não tớ còn tự động xác định được phương pháp học tập, làm việc phù hợp nhất với bản thân. Hồi lớp 9, tớ mua một cuốn sách về cách học hiệu quả tên là “Bí quyết teen thành công”. Về nhà rồi, ngồi xuống đọc rồi, tớ đã cảm thấy ngạc nhiên (và bối rối/ khó hiểu) khi nhận ra: Tất cả các phương pháp được nêu trong sách – ví dụ như ngày nào làm bài ngày đó luôn; học thuộc lòng ngay trước khi đi ngủ… – tự bản thân tớ đã xác định được từ hồi tiểu học, mà không hề tham khảo một nguồn nào bên ngoài.
Lớn lên, đặc quyền về tiêu thụ thông tin này lại tiếp tục được thể hiện qua việc tớ có thể nhai hàng tá thông tin khoa học, văn học… bằng tiếng Anh và tiếng Việt trong thời gian ngắn, mà không thấy chán. Việc biết nhiều, hiểu nhiều, lại càng giúp tớ thiết kế cuộc sống của mình tốt hơn. Và khi cuộc sống của tớ tốt hơn về cả tinh thần và vật chất, tớ lại có điều kiện để tiếp tục nhai kiến thức. Mọi thứ giống như một vòng lặp vậy – một vòng lặp đã bắt đầu từ thời điểm tớ bước chân vào lớp 1.
Tớ hay gọi loại đặc quyền này là “intellectual privileges”, đặc quyền có-khả-năng tiêu thụ những tri thức dạng elite (tạm dịch: “thượng lưu”?), và được sống trong một hoàn cảnh cho phép mình tiêu thụ những kiến thức elite đó. Dạo gần đây, tớ nhận thức được là không phải ai cũng có loại đặc quyền này.
Ví dụ: Giả sử, vì hoàn cảnh gia đình, một bạn sinh viên 18 tuổi phải bán mạng làm thêm đủ thứ việc 12 tiếng mỗi ngày. Thử hỏi, đêm về, sức lực đâu để bạn ấy nhai những kiến thức khó nhằn, nằm ngoài sách vở, hay tham gia những cuộc thi sinh viên? Và rồi, 4 năm sau, trên CV không có được mấy gạch đầu dòng thể hiện khả năng chuyên môn, cánh cửa để tìm được một công việc “đổi đời” ngay sau khi ra trường cũng thu hẹp lại kha khá. Bạn lại phải tiếp tục bươn chải trong những công việc dễ gây kiệt sức, ngăn cản bạn bứt phá. Trong trường hợp này, chúng ta cũng có vòng lặp, nhưng mà là vòng luẩn quẩn (vicious circle).
Lời kết
Thực ra “đặc quyền” là một thứ ta chỉ nhận ra khi đặt mình vào tương quan với những người khác.
Hôm trước, khi trò chuyện với một người bạn, tớ có nói rằng: tớ không chắc bản thân có xứng đáng với những đặc quyền này không. Phản hồi từ bạn ấy là: Dù có xứng hay không thì tớ cũng đã có sẵn những đặc quyền đó rồi; việc của tớ không phải là băn khoăn mình có xứng hay không, mà nghĩ xem làm thế nào để tận dụng được những đặc quyền đó một cách tốt đẹp nhất.
Tớ và cậu đều có những đặc quyền của mình, và đúng như bạn tớ nói, việc của chúng mình là tìm cách để tận dụng những đặc quyền đó, để xây dựng cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.