“Ai lại đi hỏi tuổi người ta như thế? Tuổi tác là một chủ đề nhạy cảm lắm nha.”
“Em mãi tuổi 18 nhé.” (thường do một người chắc chắn đã qua mốc 18 nói ra)
“Tranh thủ còn trẻ đi làm đi chơi đi, qua 30 rồi có muốn cũng không đi được nữa đâu.”
“Mua ngay kem chống lão hoá X, để da mãi căng mịn như gái đôi mươi!”
Có lẽ việc bắt gặp những thông điệp lúc thật, lúc đùa như trên là hoàn toàn không hiếm với những bạn đã đi làm (tiếp xúc nhiều với các thế hệ trước) nhỉ?
Vài năm trở lại đây, tớ có vài trăn trở trong đầu thế này:
- Vì sao tuổi tác lại là một vấn đề nhạy cảm với người trưởng thành?
- Vì sao người ta nói về cột mốc 30 tuổi như thể đó là sự chấm dứt của mọi sự vui vẻ?
- Vì sao chúng ta tin rằng bản thân cần mua mỹ phẩm chống lão hoá?
- Vì sao tuổi già bị coi là một giai đoạn đáng chán, thậm chí đáng sợ?
Người Nhật có một nét văn hoá gọi là Wabi Sabi, sơ lược là tinh thần chấp nhận và trân trọng tính chất bất toàn, vô thường và dang dở (imperfect, impermanent, incomplete) vốn có của cuộc sống; tôn vinh phong cách sống chậm, tối giản, và hoà mình vào tự nhiên. Trong văn hoá Wabi Sabi này, người ta rất trân trọng những đồ vật có dấu vết thời gian – một chiếc áo bạc màu, một chiếc bàn có vết xước, một cuốn sách sờn gáy…, vì trong mỗi món đồ đó là một câu chuyện, là dấu ấn của người sử dụng. Đồ vật mới tinh thì không có những giá trị tinh thần đó.
Từ khi nhìn cuộc sống qua lăng kính Wabi Sabi, tớ đã ngừng cố gắng giữ cho đồ dùng luôn phải mới tinh toe. Tớ nhìn thấy câu chuyện trong những đồ dùng lâu năm. Tớ nhìn thấy vẻ đẹp ở sợi tóc bạc, ở những vết chân chim. Tớ nhìn thấy vẻ đẹp của sự già đi.
Ở tuổi 25, tớ đang ở đỉnh cao của tuổi trẻ, của sức khoẻ… Tớ từng hỏi bản thân: một thời gian nữa, khi làn da không còn căng mọng, khi xương khớp không còn dẻo dai, liệu tớ có u buồn không?
Tớ nghĩ là không. Mỗi giai đoạn cuộc đời đều có những trải nghiệm đặc trưng riêng. Tớ của hiện tại có thể có sức khoẻ “bẻ gãy sừng trâu”, nhưng lại không có sự thông thái của tớ 10 năm nữa. Tớ 10 năm nữa có thể rủng rỉnh về tài chính rồi (hy vọng vậy), nhưng lại không có bộ xương dẻo dai của tớ ở hiện tại.
Nếu coi cuộc đời như một chuyến du lịch 7 ngày đến trái đất, thì chúng ta nên tận hưởng mọi thứ đến phút cuối cùng, chứ không phải chơi vui vẻ 3 ngày đầu rồi tự kìm hãm bản thân suốt 4 ngày tiếp theo, phải không?
“Sống trẻ, trung niên hay già đều tùy thuộc vào suy nghĩ của bạn. Nếu bạn nghĩ mình già rồi, thì bạn cũng thật sự già.” – Thích Nhất Hạnh
Túm lại thì, tớ tin: đã đến lúc chúng ta nên ngừng thần thánh hoá tuổi trẻ, và ngừng sợ hãi tuổi già rồi đấy,
P.s. Một trong những podcast tớ yêu thích nhất từ trước đến giờ là tập Have A Sip (Vietcetera) với bà Xuân Phượng – Đạo diễn, Tác giả sách, Nhà sáng lập và Cố vấn Lotus Gallery. Cuộc đời bà Xuân Phượng là một minh chứng điển hình cho việc “không bao giờ là quá muộn để làm điều bạn muốn”. ⇒ Xem thêm chi tiết tại bài viết này nhé: https://borntoroar777.com/to-khong-nghi-to-se-ve-huu-dau/