Người dùng thì sợ cái mới, còn người làm sáng tạo (trong tập thể) thì sợ đề xuất cái mới.
Đây là điều tớ học được sau một năm làm ở bộ phận tên “Digital Learning” – hàng ngày nghiên cứu và tiên phong triển khai những practice chưa từng có, hoặc chưa phổ biến trên thị trường.
Đi làm, nhiều người rén đề xuất những ý tưởng khác thường, vì nhỡ đề xuất xong không được chấp nhận thì sao? Ảnh hưởng đến uy tín của mình thì sao?
Hồi tháng 3 năm nay, tớ đề xuất xây dựng những bài giảng siêu nhỏ “microlearning” để phục vụ người học nhanh & tức thì (gần giống Learn On TikTok) – một practice gần như mới toe trong ngành tài chính – bảo hiểm.
Thời điểm đó, sếp tớ không gật đầu, nhưng chị nói một câu thế này: “Thực ra không có ý tưởng nào là sai, chỉ là ý tưởng của em có phù hợp để đưa vào triển khai ngay bây giờ không thôi. Có những ý tưởng sẽ cần tạm cất vào kho, rồi khi thời điểm thích hợp đến, mình lôi nó ra.”
Y rằng, chỉ 5 tháng sau đó, khi nhu cầu người học thay đổi, microlearning được lôi từ trong kho ra, tạo tiếng vang lớn khi chính thức triển khai.
Quay lại chủ đề chính, tớ nghĩ cách nhìn nhận vấn đề như sếp tớ có thể giúp mình vượt qua nỗi sợ đề xuất cái mới. khả năng một ý tưởng mới được chấp thuận triển khai luôn là 50-50. Trong trường hợp ý tưởng bị từ chối, thì vấn đề không phải là ta thiếu năng lực, mà có thể ta cần đợi đến một thời điểm phù hợp hơn, một ngữ cảnh phù hợp hơn, thì ý tưởng đó mới phát huy được hết tác dụng.
Người dùng có thể sợ cái mới, nhưng người làm sáng tạo (trong tập thể) thì hãy nhìn vấn đề khác đi, để dũng cảm đề xuất cái mới, nha.