Một bộ phim đáng ra nên được chú ý nhiều hơn

ĐÊM TỐI RỰC RỠ! (2022) – đạo diễn Aaron Toronto

CHỦ ĐỀ

  • Chấn thương tâm lý liên thế hệ (generational trauma)
  • Gia đình độc hại
  • Bạo lực gia đình (thể chất và tinh thần)
  • Bệnh tâm lý

GIỚI THIỆU PHIM (không spoiler)

Bộ phim ĐÊM TỐI RỰC RỠ! lấy bối cảnh đám tang trong một gia đình trung lưu miền Nam, khi ông nội qua đời và con cháu trong một gia đình 3 thế hệ về quê đưa tiễn. Từng tình huống nhỏ xảy ra trong suốt buổi phúng viếng dần hé lộ những vết thương của mỗi thành viên trong gia đình – những rạn nứt lớn đến nỗi lấn át cả nỗi đau mất người thân.

VÌ SAO TỚ CHO RẰNG “ĐÊM TỐI RỰC RỠ” NÊN ĐƯỢC CHÚ Ý NHIỀU HƠN? (có spoiler)

Với tớ, đây là một bộ phim xuất sắc.

Xuất sắc ở chỗ truyền tải thành công những chủ đề trừu tượng, còn mới lạ (ở Việt Nam) đến đại chúng một cách dễ hiểu.

Xuất sắc ở nhân vật ông Toàn – người bố thế hệ 6x. Ông Toàn có xu hướng bạo hành thể xác và tinh thần vợ con một cách vô thức, là sự thể hiện cho chất nam tính độc hại, và là hệ quả từ việc bị cha ông đánh đập từ khi còn nhỏ.

Ông không chủ đích hại người thân, nhưng cũng không nhận thức được rằng hành động bạo lực của mình làm tổn thương người khác. Phút trước ông đánh chửi cháu gái thậm tệ, phút sau ông lại ôm cháu vào lòng, đưa bánh kẹo cho cháu như chưa có gì xảy ra. Giây trước ông bóp cổ con gái út Kim Bảo, nhưng giây sau, khi con bị người khác đâm, ông ngay lập tức hoảng loạn và cuống lên đưa con đi viện.

Một chi tiết diễn xuất đắt giá là ánh mắt của ông Toàn khi nghe các con lên án những điểm ông đã làm sai: bắt đầu bằng ánh nhìn cố chấp, rồi thoáng qua nét hoang mang, cuối cùng là sự sững sờ khi ông bắt đầu lờ mờ nhận ra đúng là mình không ổn, mình có tội.

Xuất sắc ở nhân vật người mẹ – nhu nhược nhiều năm nhưng cuối cùng dám đối diện chồng, vì gia đình, con cháu. Nhưng kể cả khi quyết định đứng lên về tinh thần, bà vẫn chưa bỏ ngay được phản xạ có điều kiện của cơ thể – giật mình, lùi lại khi chồng to tiếng hay tiến đến – hệ quả của nhiều năm bị bạo hành.

Xuất sắc ở nhân vật Xuân Thanh – người con gái thứ. Tớ đặc biệt ấn tượng với phân cảnh Xuân Thanh vừa khóc vừa ôm đầu, tự hại khi cảm thấy có lỗi vì đã vô thức đánh chửi con – giống cha mình từng làm trước đây.

Xuất sắc ở chi tiết đứa cháu gái thể hiện biểu hiện của bệnh tâm lý sau nhiều năm chịu đựng bạo lực tinh thần từ cha mẹ, bị cấm đoán không có tiếng nói, không được lắng nghe trong gia đình. Đây là một chi tiết đắt, làm bật lên chủ đề generational trauma.

KẾT LẠI

Một vài bài review cho rằng các chi tiết trong phim làm quá, nhưng tớ nghĩ rằng, phim khai thác những chủ đề vốn trừu tượng và tinh vi như bệnh tâm lý và bạo lực lời nói, thì mỗi chi tiết phải mang tính biểu trưng, phải làm quá lên để người xem có thể hình dung được vấn đề. Giống như diễn viên Kiến An – đóng vai người bố – nói: “Mình rất ghét nhân vật (ông Toàn). Nhưng mình phải làm thật chuẩn những hành vi bạo lực của nhân vật, để lên án hành vi đó.”

Liên hệ với những câu chuyện mình từng đọc trong “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”, hay “Đại dương đen”, những gia đình giống trong phim không hiếm ở Việt Nam. Những nhân vật trong phim được xây dựng tiệm cận mẫu số chung thực tế: một thế hệ cha mẹ bị bạo hành, rồi lại vô thức truyền lại sự tổn thương đó cho thế hệ sau. Có lẽ vì vậy, mà nhiều khán giả nhìn thấy câu chuyện của chính mình khi xem phim .

ĐÊM TỐI RỰC RỠ! là một bộ phim hay, thực, xem để rồi ngẫm.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top