Xem “Finding Dory”, tớ ưng nhất bạch tuộc đỏ Hank:
- Hank là con bạch tuộc có khả năng của một con tắc kè – trà trộn vào môi trường xung quanh.
- 90% thời lượng đầu phim, Hank thể hiện mong muốn mãnh liệt và bền bỉ là được sống trong thuỷ cung, trái với assumption về mong muốn chung của các sinh vật biển là được thả tự do về đại dương: “Trải nghiệm của tôi với đại dương không được tốt lắm”; “Tôi muốn sống trong một cái bể kính, một mình.”
- Trong 4 xu hướng hành vi D.I.S.C, thì Hank thể hiện tính cách D điển hình. Ổng quyết định nhanh, hành động lẹ, nhiều khi lấn át người đối diện, và bất chấp tất cả để đạt mục tiêu là lên được chuyến xe đi thuỷ cung.
- Nhưng rồi cuối phim, khi Dory gạ ổng ra biển. Sau 3s lưỡng lự, Hank gật đầu cái rụp.
Đầu tiên, tớ đã thấy chi tiết đó hơi gượng: chả nhẽ chỉ vì vài câu động viên của Dory về việc rời vùng an toàn (mà tớ thấy khá giống mấy bài tạo động lực lý thuyết suông trên YouTube), mà Hank quyết định thay đổi định hướng cuộc đời mà nó đã theo đuổi trong bao nhiêu lâu?
Nhưng ngẫm lại thì việc Hank quay xe sau 3s suy nghĩ hoàn toàn phù hợp với tính cách của ổng: ra quyết định dứt khoát, và hướng về mục tiêu cuối cùng.
Ngay từ đầu, lý do Hank sống chết muốn vào aquarium là vì trải nghiệm của ổng với biển traumatic. Ổng có cơ sở để tin rằng: nếu đơn thương độc mã quay lại đại dương, khả năng cao những sự kiện traumatic có thể lặp lại với ổng.
Lời động viên của Dory mang tính gợi mở vấn đề, nhắc Hank nhớ rằng: nếu lần này quay lại biển, Hank có đồng bọn rồi, không cô độc nữa, như vậy thì khả năng gặp nguy hiểm giảm đi rất nhiều. Tức là, bản chất vấn đề (chữ why của Hank) đã được giải quyết, nên cái what/how có thể thay đổi theo. Đó là lý do tại sao Hank gật đầu nhanh như vậy.
Con người nhiều lúc có những nỗi sợ sâu trong tiềm thức, và đưa ra quyết định một cách bản năng (làm vậy mà không hiểu sao mình làm vậy). Nhưng Hank thì khác. Ổng biết ổng muốn gì, và VÌ SAO ỔNG MUỐN THẾ. Khi vấn đề cốt lõi đã được giải quyết, ổng sẵn sàng thay đổi ngay cách tiếp cận của mình, chứ không sống chết bám víu vào vùng an toàn nữa.
Từ Hank, tớ học được rằng cần tự vấn “Vì sao mình muốn vậy?” mỗi lần bản thân muốn một điều gì đó. Mình có đang thực sự mong mỏi điều đó không? Hay mình đang ra quyết định dựa trên một nỗi sợ thầm kín chôn sâu trong não? Hay mình chỉ đơn thuần đang bấu víu lấy vùng an toàn?
Ẩn trong mỗi bộ phim Disney luôn là những bài học giá trị, nhỉ? Phim hoạt hình đúng là không chỉ dành cho trẻ con mà.