Tớ tin vào bình đẳng giới, nhưng sâu trong não tớ thì…

“Ta thường có thành kiến với những người nằm ngoài nhóm xã hội của ta. Thành kiến đó có thể rõ ràng, được thể hiện một cách công khai và có ý thức (explicit bias), hoặc tiềm ẩn, nằm ngầm trong não (implicit bias).”

Giáo sư Susan T. Fiske, Đại học Princeton

Tớ nhiệt liệt ủng hộ bình đẳng giới. Quan điểm của tớ là: Mỗi người cần được trao những cơ hội dựa trên mong muốn và khả năng của họ, chứ không phải vì bộ phận sinh dục trên người họ.

Ấy thế mà hôm trước, khi tớ làm một bài kiểm tra implicit bias (thành kiến ngầm) về vai trò giới, kết quả trả về là: sâu rất sâu trong tiềm thức, tớ vẫn liên kết nam – sự nghiệp, nữ – gia đình nhiều hơn là nữ – sự nghiệp, nam – gia đình.

Thực ra tớ không bất ngờ lắm. Dù chưa một lần tớ bị ngăn cản làm gì đó vì tớ mang giới tính nữ, dù trong gia đình hạt nhân của tớ không có bất bình đẳng giới, nhưng cơ bản thì, 15 năm đầu đời, tớ đã lớn lên trong một xã hội với những định kiến ngầm kiểu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Nhận thức của tớ về vai trò giới chỉ được mở rộng khi tớ vào cấp 3, học tiếng Anh, tiếp xúc với nhiều tài liệu về bình đẳng giới.

Tớ từng đọc đâu đó một quan điểm thế này: Để chống phân biệt (giới, sắc tộc, tuổi, xu hướng tính dục…) thì “role model” đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Role model là những gì xã hội, đặc biệt là trẻ em và người trẻ, sẽ nhìn vào để đặt ra ước mơ của bản thân, để định hình cách đối xử với những người khác trong cuộc sống.

Cá nhân tớ thích Hollywood tầm 5 năm trở lại đây ở cách họ bình thường hoá nhân vật nữ và tính nữ trong các vai trò lãnh đạo, anh hùng – những vai trò mà theo truyền thống sẽ được gán cho giới tính nam, tạo ra những role model tớ đánh giá là tích cực.

  • Trong Black Panther, chúng ta có nữ hoàng Ramonda và công chúa Shuri. Họ được tôn trọng vì khả năng lãnh đạo, khả năng khoa học của họ.
  • Trong Mèo Đi Hia, chúng ta có nhân vật Kitty Softpaws – một anh hùng ngang tài ngang sức với Mèo Đi Hia và cũng mang đầy tính nữ.
  • Trong M3gan, chúng ta có nhân vật chính Gemma – là developer (nhà viết phần mềm). Thoát khỏi motif của Hollywood trước đây – những nhà khoa học nam chọn khoa học vì anh ấy thích vậy, còn những nhà khoa học nữ trở thành nhà khoa học thì phải vì bố cô ấy đã từng là nhà khoa học, chứ tự cô ấy không tự dưng thích khoa học được – Gemma không viết phần mềm bởi vì cha cô ấy làm vậy. Cô ấy tồn tại là một nhân vật độc lập thôi.
  • Trong Little Women, chúng ta có 4 chị em bộ phim Meg, Jo, Beth, and Amy với những ước mơ khác nhau. Bộ phim cho ta thấy rõ “nữ quyền” không phải là tất cả phụ nữ đều phải đóng mình vào cái khuôn của thế kỷ 21 là theo đuổi sự nghiệp, đánh đông dẹp tây, mà hoàn toàn là sự tự do về lựa chọn.

Tớ nghĩ việc đa dạng hoá giới của nhân vật trong phim một cách nghiễm nhiên như vậy là một cách hay để đưa các role model. Các em bé nữ sẽ nhìn vào đó để noi theo, để hiểu rằng giới tính nữ không phải một rào cản đến bất kỳ giấc mơ nào của các em. Các em bé nam sẽ nhìn vào đó để cảm thấy bình thường (không định kiến, không cảm thấy bị đe doạ) khi tiếp xúc, làm việc cùng người nữ, đặc biệt là người nữ thành công, trong xã hội.

Thế hệ của tớ đã lớn lên trong một môi trường nhiều định kiến giới. Tớ không thể quay ngược thời gian để sửa implicit bias sâu trong tiềm thức được. Nhưng nhận thức được thiên kiến này của bản thân, tớ sẽ cẩn trọng hơn khi đưa ra quyết định trong tương lai, để giới tính của một người không ảnh hưởng đến cách tớ đánh giá hay nhìn nhận người ta.

Với những thế hệ tiếp theo, các em xứng đáng có được những role model từ gia đình, nhà trường, phim ảnh tốt để các em nhìn ngắm và học tập, để các em hiểu rằng: Bản thân mỗi người không nên bị giới hạn vì những social construct gắn với giới tính của họ.

P.s. Cậu có thể ham khảo thêm một tip giúp bản thân bớt định kiến ngầm TẠI ĐÂY nha.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top