*New year resolutions: bản mục tiêu, kế hoạch cho năm mới
KHÔNG QUÁ 9% người thực hiện thành công new year resolutions. Đây là con số tớ tìm được khi lướt xem một vài thống kê về chủ đề này.
Đầu năm, với chứa chan hy vọng, ta ngồi xuống vạch ra những mục tiêu để xây dựng một phiên bản của chính mình tốt hơn năm cũ. Đây là những mục tiêu do chính ta đặt ra, chẳng ai khác ép buộc. Vậy, VÌ SAO đến cuối cùng, chúng ta không làm (được)?
3 cái bẫy thường gặp khiến ta “bỏ cuộc” với new year resolutions:
- Mục tiêu không thực tế (quá khó hoặc quá nhiều)
- Không đo lường tiến độ thực hiện mục tiêu
- Quên (là mình có đặt mục tiêu đó) 🙂
Vậy làm thế nào để né ba cái bẫy trên? Cùng tìm hiểu nhé! (Yên tâm, tớ sẽ không bắt cậu nhai lại những model tối cổ như SMART đâu.)
BẪY SỐ 1: Mục tiêu không thực tế (quá khó hoặc quá nhiều)
🤘 Thử xem nhé: Thường thường, new year resolutions của chúng ta trông như thế này:
- Đi tập gym 3 buổi mỗi tuần
- Học tiếng Anh mỗi ngày để giao tiếp một cách tự tin
- Tiết kiệm được 100 triệu đồng
- …
Trong khi chúng ta hiện tại (ở thời điểm viết resolutions) thì như thế này:
- Ngày nào cũng mài mông ở công ty từ 9h sáng đến 7h tối.
- Đến lúc về đến nhà thì đã mệt nhoài.
- Tiếp tục bấm điện thoại đến 12h và ngủ thiếp đi.
- 7h sáng hôm sau tỉnh giấc và phi vội đến chỗ làm.
Với lịch trình đã-thành-nếp như trên, thử hỏi trong ngày có lúc nào ta đủ năng lượng và sự quyết tâm để đi tập gym, lúc nào đủ sự tập trung để học tiếng Anh? Mà giả sử có thời gian đi, thì thu nhập của ta có đủ để ta vừa ăn ngủ nghỉ, vừa mua gói tập, vừa tham gia khoá học tiếng Anh, mà vừa tiết kiệm 100 triệu không?
“Chúng ta có một điểm mù tư duy thế này: ta nghĩ về bản thân trong tương lai như một siêu nhân, một phiên bản nâng cấp hoàn toàn so với bản thân hiện tại. Vì vậy, các mục tiêu của chúng ta thường rất khó đạt được, vì ta đưa ra mục tiêu mà không hề có sự thông cảm với con người tương lai của chính ta.”
– Giáo sư khoa học hành vi Ayelet Fishback (ĐH Chicago)*.
Thường khi viết resolutions, ta nghĩ cái người thực hiện mục tiêu đó sẽ là một con người khác (một siêu nhân), không phải ta của hôm nay. Đó chính là vấn đề.
Vậy giải pháp là gì? ⇒ Đặt mục tiêu khi ta đang ở trong đúng trạng thái mà ta sẽ thực hiện hoạt động mục tiêu đó.
Ví dụ 1: Nếu muốn tập gym thường xuyên hơn, đừng ngồi trong điều hoà mát rượi lúc cuối tuần và thể hiện sự quyết tâm. Hãy đợi đến lúc cậu mệt nhoài lúc 6h chiều một ngày làm việc trong tuần, và tự hỏi liệu mình có muốn đặt mục tiêu đi tập gym vào giờ này không? Hay tập giờ khác? Hay tập một bộ môn khác (yoga, bơi, chạy bộ…)?
Ví dụ 2: Nếu muốn học tiếng Anh để giao tiếp thành thạo, đừng hạ quyết tâm vào một tối rảnh rỗi. Hãy đợi đến lúc kết thúc một ngày làm việc, rồi tự hỏi giờ mình có đủ sức để đi tập gym rồi về học tiếng Anh không? Hay nên chuyển giờ học tiếng Anh qua đầu giờ sáng? Hay xen kẽ ngày tập gym và ngày học tiếng Anh?
Khi cậu có sự đồng cảm với con người tương lai của mình, cậu sẽ nhận ra rằng: năng lượng của bản thân là có hạn. Như vậy, ta cần chọn tần suất phù hợp cho các hoạt động mục tiêu, sắp xếp thứ tự ưu tiên các gạch đầu dòng trong resolutions.
Hãy viết resolutions cho bản thân, đừng viết resolutions cho siêu nhân. Có như vậy, bản resolutions ta viết ra mới không biến thành phim khoa học viễn tưởng.
*Podcast ‘The Science of Motivation’ (featuring Giáo sư Ayelet Fishback): https://www.pushkin.fm/podcasts/a-slight-change-of-plans/the-science-of-motivation
BẪY SỐ 2: Không đo lường tiến độ thực hiện mục tiêu
Mục tiêu được chia làm hai loại: Mục tiêu DO và Mục tiêu DON’T. Ví dụ:
(DO) ăn salad – (DON’T) không ăn bim bim
(DO) đọc sách – (DON’T) không lướt điện thoại
(DO) nói lời cảm ơn – (DON’T) không nổi cáu với mọi người
Theo một nghiên cứu khoa học năm 2020 (link bên dưới), đặt mục tiêu DO dễ thành công hơn đặt mục tiêu DON’T, đơn giản vì: Mục tiêu DO dễ đo lường hơn mục tiêu DON’T.
Đo lường trong tuần rồi ta đã ăn salad mấy bữa thì dễ hơn đo tuần vừa rồi ta đã nhịn cơn thèm chocolate mấy lần.
Đo lường trong hôm nay ta đã đọc sách bao nhiêu phút thì dễ hơn đo hôm nay ta đã nhịn lướt mạng xã hội bao nhiêu phút.
Đo hôm nay ta đã cảm ơn bao nhiêu người thì dễ hơn đo hôm nay ta đã nhịn không nổi nóng mấy lần.
Cậu có nhớ khi cài đặt phần mềm không? Ta sẽ luôn thoải mái hơn khi thấy một màn hình hiển thị phần mềm đã tải được bao nhiêu %, hơn là một màn hình chỉ hiển thị biểu tượng loading xoay vòng vòng.
Tương tự, nhìn thấy % hoàn thành giúp ta có cảm giác thành tựu, tự hào, được tiếp thêm động lực. Còn khi không nhìn thấy bản thân đã đi được bao nhiêu % quãng đường, ta dễ hoang mang, rồi mất tâp trung, mất động lực để thực hiện tiếp.
Vậy nên, năm nay, cố gắng viết tất cả các gạch đầu dòng trong new year resolutions của cậu ở dạng mục tiêu DO nhé. Có như vậy, bản resolutions ta viết ra mới không biến thành phim khoa học viễn tưởng.
*Nghiên cứu ‘A large-scale experiment on New Year’s resolutions: Approach-oriented goals are more successful than avoidance-oriented goals’ (Martin Oscarsson, Per Carlbring, Gerhard Andersson ,Alexander Rozental): https://journals.plos.org/plosone/article?id=10.1371/journal.pone.0234097
BẪY SỐ 3: Quên (là mình có đặt mục tiêu đó) 🙂
Cái bẫy số 3 nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng sự thực là nhiều người từng sập nó rồi, đặc biệt với những mục mang tính vĩ mô, dài hạn. Ví dụ: Tớ vẫn nhớ bản thân từng một lần tá hoả khi nhìn lại 2021 resolutions và thấy chềnh ềnh chiếc mục tiêu “đi du lịch ít nhất 1 lần trong năm”.
Vậy làm thế nào để khỏi quên?
1. Chọn lọc mục tiêu, đừng ôm đồm.
Quay trở lại câu chuyện ta-của-tương-lai-không-phải-siêu-nhân như đã chia sẻ ở phần 1 (LINK), ta không có năng lực để ôm đồm quá nhiều thứ trong một thời gian ngắn đâu.
Hãy đặt ra số lượng mục tiêu thực tế, và sắp xếp thứ tự ưu tiên cho chúng nó.
2. Song song với đặt mục tiêu, hãy nghĩ về một “hệ thống” nhắc nhớ ta về những mục tiêu đó, giảm bớt áp lực phải ghi nhớ lên não của ta.
Gợi ý:
- Tìm (những) người bạn đồng hành cùng ta trong quá trình thực hiện mục tiêu.
- Reminder cài sẵn vào những thời điểm nhất định (đầu tháng/ đầu quý…) để ta nhìn lại resolutions đã thực hiện được đến đâu.
- Hoặc đơn giản chỉ cần trưng resolutions ở nơi thật dễ nhìn trong nhà/ nơi làm việc.
Có như vậy, bản resolutions ta viết ra mới không biến thành phim khoa học viễn tưởng.
Bài viết đến đây là hết. Chúc cậu thành công với 2023 resolutions nhé! ❤