Thí nghiệm của Carol Dweck
Carol Dweck – nhà tâm lý học, giảng viên tại ĐH Stanford – từng xây dựng một thí nghiệm với 400 học sinh tiểu học.
Trong một nội dung thí nghiệm, các em được chọn: hoặc làm lại bài tập xếp hình đã làm trước đó, hoặc làm bài tập xếp hình mới tinh, với độ khó tăng lên. Kết quả: những em tin rằng sự thông minh nghĩa là không được mắc lỗi, phải luôn đạt điểm 10 thì đã chọn làm lại bài cũ; còn những em cho rằng việc lặp lại bài tập là kỳ quặc, tốn thời gian, đã chọn thử thách mới.
Kết luận của thí nghiệm là về tư duy cố định vs. tư duy phát triển (fixed mindset vs. growth mindset), trí thông minh vs. nỗ lực (intelligence vs. effort).
Nhưng để lại ấn tượng lớn hơn trong tớ là hình ảnh “Bài tập đã làm” vs. “Bài tập mới tinh”.
Thực hiện “bài tập đã làm” ở bất kỳ lĩnh vực nào trong cuộc sống cũng luôn an toàn, dễ đạt “điểm 10” hơn so với việc bắt tay vào một “bài tập mới tinh”. Nhưng nếu luẩn quẩn mãi trong điểm 10 của những “bài tập đã làm”, ta sẽ chẳng bao giờ lớn hơn được.
Nhìn lại trước giờ, những thời điểm learning curve (đường học) của tớ dựng đứng nhất là khi tớ làm “bài tập mới tinh”. Là khi câu lạc bộ nhảy còn non, nhưng bọn tớ dấn thân tham dự một cuộc thi nhảy K-pop tầm cỡ. Là khi cùng một chương trình huấn luyện bảo hiểm, nhưng mỗi lần đứng lớp tớ lại thử nghiệm ít nhất một hoạt động học mới toe. Là khi còn gà mờ, nhưng tớ vẫn nhắm mắt nhắm mũi nhận quản lý một dự án liên phòng ban.
Còn nhớ Yuval Noah Harari, trong cuốn Sapiens: Lược Sử Loài Người, từng nhắc đến tầm quan trọng của “discovery of ignorance” (sự thừa nhận rằng ta-không-biết) với loài người. Cụ thể: cuộc cách mạng khoa học (mà đã đưa loài người trở thành động vật tối thượng trên trái đất) bắt đầu từ khi con người thừa nhận rằng những luật lệ truyền thống (những gì ta ĐÃ biết) không phải tất cả tinh hoa kiến thức, và thừa nhận rằng còn nhiều điều TA CHƯA BIẾT, ta cần nghiên cứu, khám phá.
Ngắn gọn là: từ khi loài người chọn làm “bài tập mới tinh”.
Dạo gần đây, tớ cảm nhận rõ hơn một việc thế này: Đến một thời điểm nào đó – khi ta bắt đầu có chút kinh nghiệm, có chút tuổi, lựa chọn “bài tập mới tinh” sẽ cần lòng dũng cảm. Cần dũng cảm để vượt qua sự phát triển đều đều trong vòng an toàn của những “bài tập đã làm”, vượt qua nỗi sợ mất mặt, vượt qua nỗi sợ bắt đầu lại từ số 0.
Sau cùng, tớ viết bài hôm nay cũng để nhắc nhở Linh của sau này: Nhất định đừng quên luôn chọn “bài tập mới tinh” nhé!