Khởi chiếu năm 2018, Hậu Cung Như Ý Truyện là bộ phim truyền hình Trung Quốc tớ đã xem lại phải trên 5 lần.
Phim được xây dựng chỉn chu từ cốt truyện, diễn xuất, đến trang phục, góc quay. Đặc biệt, từng nhân vật, không kể chính phụ, đều có lớp lang, có động lực, tham vọng, yêu ghét rõ ràng; chẳng nhân vật nào xuất hiện đơn thuần để buff nhân vật chính cả.
Quan trọng là, từ phim, tớ nghiệm được ra nhiều bài học cho thế giới hiện đại.
1. Hạnh phúc = Cái mình có – Cái mình muốn
Công thức hạnh phúc này được thể hiện rõ nhất qua tương quan kết cục của hai nhân vật Chân Hoàn (Thái hậu) và Như Ý.
Chân Hoàn là người chiến thắng trong hậu cung Ung Chính Đế, là người trụ lại cuối cùng và bước lên bảo toạ Thái hậu. Nhưng bà có hạnh phúc không?
Cảnh kết trong Hậu Cung Chân Hoàn Truyện – khi bà nhắm mắt bước vào giấc ngủ trưa – cho thấy sự chấp nhận một cách cam chịu của Chân Hoàn với thực tại. Cái bà muốn là tình yêu, là con cái, là tình chị em đồng cam cộng khổ. Nhưng cái bà có lại là địa vị Thái hậu, bảo hộ được con cái, nhưng tình yêu, tỷ muội, tri kỷ đều mất trong quá trình tranh đấu cả rồi.
Ngược lại, Như Ý không phải một nữ chính điển hình trong phim cung đấu. Nàng không phải người chiến thắng cuối cùng trong hậu cung. Nàng không tranh với đời, chỉ cầu một kết cục công bằng, ác giả ác báo.
Cái nàng muốn là sự tự tại. Và cái nàng thành công giữ được đến cuối cùng cũng là sự tự tại. Chẳng vậy mà cuối phim, Chân Hoàn (Thái hậu) có nói một câu: “Nhiều khi ai gia nghĩ, ai gia sống trong cung này, vật vã cả cuộc đời, so với Như Ý, giữ được một chút bản tâm, rốt cuộc bên nào mới là tự tại đây?”
“Cái mình muốn” – hay “sự kỳ vọng”, “chữ why”…, ta có thể gọi nó thế nào tuỳ thích – là yếu tố quyết định mình sống cuộc đời này đã “đáng” chưa.
2. Mỗi chúng ta đều mang trên mình nhiều vai trò. Ta có thể làm tốt ở vai trò này, và tệ ở vai trò kia.
Nhân vật minh hoạ rõ nhất cho luận điểm này là Càn Long.
Nếu nhìn hẹp trong góc nhìn hậu cung, ở vai người chồng, người cha, Càn Long trong phim được xây dựng theo hướng trap-boy-hoá, bạc bẽo, đa nghi, tính kế với cả những người đầu ấp tay gối, luôn để Như Ý chịu thiệt thòi, đến con gái ruột, em gái ruột cũng có thể gửi đi cầu thân.
Nhưng nếu nhìn ông ở vai hoàng đế của cả đế quốc Đại Thanh ngày ấy, ta sẽ có một đánh giá khác hẳn. Như Ý bị hãm hại, bị đày vào lãnh cung, Càn Long biết nàng vô tội nhưng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Ở thời điểm đó, nếu điều tra đến gốc rễ sẽ gây rối loạn hậu cung- tiền triều, nên ông đành phải thỏa hiệp.
Đến con gái đứt ruột đẻ ra ông cũng nỡ gửi đến Mông Cổ liên hôn, đến người em gái thân thiết ông cũng ra lệnh tái giá vì đại sự quốc gia. Hy sinh gia đình, nhưng ông tránh được nạn máu chảy đầu rơi cho hàng vạn người dân. Chẳng phải đây là một nhà vua lý tưởng trong lòng bách tính hay sao?
Cho nên, để đánh giá một con người không bao giờ là dễ dàng cả.
Ta có thể vừa là một người con có hiếu, vừa là một người vợ/chồng vô tâm, hoặc ngược lại. Ta có thể vừa là một nhân viên xuất sắc ở công ty, vừa là một người cha/mẹ vô tâm, hoặc ngược lại. Ta chỉ có một, mà các vai trò thì nhiều, khó có thể vẹn toàn. Quan trọng là ở từng thời điểm, ta muốn ưu tiên cho vai trò nào.
3. Hiểu người thì sẽ cảm được người
Hôm tớ học khoá stakeholder management (quản lý các-bên-liên-quan) ở công ty, giảng viên nói: bản chất của stakeholder management, suy cho cùng, là làm người khác làm điều mình muốn.
Đột nhiên tớ nghĩ đến cách mà hai nhân vật trong phim chọn để mua chuộc lòng người.
Kim Ngọc Nghiên đem tiền tặng cho người không cần tiền. Muốn Hàm thân vương nói giúp cho con mình làm Thái tử, nàng đem tiền tặng. Nhưng điều nàng không hiểu là Hàm thân vương vốn đã có địa vị cao, tiền và quyền đều có đủ, đâu cần chút lễ nhỏ của nàng. Chuyện đến ngay tai hoàng đế, và từ đó bắt đầu cú ngã ngựa cuối cùng của nàng.
Ngược lại, Vệ Yến Uyển đem tiền cho người đang cần tiền nhất. Để mua chuộc bà mụ đỡ đẻ cho Như Ý, Vệ Yến Uyển từ lâu đã đem tiền và quyền để chữa bệnh cho con gái bà, gần như là ban ơn khiến bà mụ không thể không dốc lòng hồi đáp – bằng cách tuân theo kế hoạch làm hại Như Ý. So với hành động thêu hoa trên gấm như Kim Ngọc Nghiên, rõ ràng việc tặng than trong tuyết của Vệ Yến Uyển hiệu quả hơn nhiều.
Mỗi người đều có động cơ riêng, câu chuyện riêng. Hiểu người thì sẽ cảm được người. Hiểu sai, hoặc không chịu hiểu, thì việc đều không thành.
❓ TÓM LẠI…
Nhiều người nói xem Hậu Cung Như Ý Truyện không “đã”. Tớ đồng ý, vì phim “đời” quá. Nếu cậu đang tìm kiếm một bộ phim nhẹ não, với motif sau cùng cái thiện sẽ chiến thắng tất cả, thì Như Ý Truyện không phù hợp đâu.
Còn nếu cậu muốn một bộ phim có thể vừa xem vừa ngẫm, thì link đây nhé.
Và có một page với những bài phân tích xuất sắc về Hậu Cung Như Ý Truyện nữa, những bài phân tích làm ta càng đọc càng muốn xem lại phim ấy: https://www.facebook.com/ATKTM.NhuYtruyen/.
Hôm nay tản mạn đến đây thôi.