2 tip để tối ưu hoá việc NGHỈ PHÉP

(Dành cho con dân của thế giới làm công ăn lương)

1. Niệm chú: “Không được sợ nghỉ phép”

Truyền thuyết kể rằng: Nhiều người đi làm công không (dám) nghỉ phép vì… ngại.

Nhưng mà nghĩ một xíu nè: Cậu có bao giờ nói “Thôi em ngại lắm, em không nhận lương” không? Cậu có bao giờ cảm thấy tội lỗi khi tiêu đồng lương của mình không?

Hãy nghĩ về ngày nghỉ phép giống như nghĩ về lương ấy. Ngày nghỉ phép là một phần của combo thù lao đã được cậu và công ty đồng thuận, bên cạnh lương, thưởng, bảo hiểm… Cậu nghĩ có công ty tư bản nào chịu thiệt, đặt bút ký một combo không có lợi cho họ à?

Chưa kể, cày liên tục và không nghỉ ngơi thực ra lại khiến ta làm việc kém hiệu quả hơn (không khó để tìm ra các nghiên cứu khoa học với kết luận này). Vậy là, người lao động mệt mỏi, doanh nghiệp cũng không nhận được những giá trị mà đáng ra họ được nhận từ sức lao động của nhân viên.

Suy nghĩ về mối quan hệ hợp tác giữa cậu và doanh nghiệp xem. Nếu một trong hai bên, hoặc cả hai, không thoải mái, thì mối quan hệ này có win-win không? Có lâu dài được không?

2. Nhiều kỳ nghỉ ngắn có thể tốt hơn một kỳ nghỉ dài

Trong một podcast tớ nghe gần đây, người ta nói rằng nghỉ phép 4-5 ngày hay nghỉ phép 2 tuần liên tục thực ra mang lại hiệu quả như nhau; và vì thế, để tối ưu hoá hiệu quả nghỉ ngơi, ta nên chia ngày phép ra nghỉ ngắn nhiều lần trong năm, thay vì nghỉ một lần thật dài.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ hơn, bản thân tớ chưa tìm được bài báo khoa học nào đưa ra kết luận như trên.

Vậy thì mình tiếp cận vấn đề theo hướng này cũng được: Có hai cách sắp xếp thời gian nghỉ phép – nghỉ ngắn nhiều lần, hoặc nghỉ dài một lần; việc của mình là thử chọn cho đến khi tìm được khoảng thời gian nghỉ phép tối ưu với bản thân.

P.s.

Về chủ đề nghỉ phép, từ quan sát của cá nhân tớ, hiện tại vẫn có những quản lý ra quyết định dựa trên những gì cảm giác có vẻ hiệu quả (”người lao động làm càng nhiều, nghỉ càng ít thì càng hoàn thành nhiều việc”), hơn là những gì được khoa học chứng minh (”người lao động làm việc kết hợp nghỉ ngơi phù hợp thì sẽ đạt hiệu suất cao nhất”).

Tớ chỉ hy vọng sẽ thấy các quản lý tương lai (chính là cậu và tớ đấy) vận dụng kiến thức về khoa học tâm lý, khoa học hành vi nhiều hơn trong quản lý con người thôi; bắt đầu từ việc hiểu rằng ta đang dẫn dắt con người – sinh vật phức tạp với đủ loại nhu cầu, nguyện vọng, cảm xúc – chứ không phải những cái máy, chẳng hạn.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top