2 thí nghiệm kẹo dẻo, khả năng tự kiểm soát, và câu hỏi về góc nhìn mới

Thí nghiệm kẹo dẻo (1) – Walter Mischel

Đầu những năm 1970s, Walter Mischel – một nhà tâm lý học ở Đại học Stanford – đã thực hiện một chuỗi thí nghiệm nổi tiếng về tính kiên nhẫn và khả năng tự kiểm soát của trẻ em: THÍ NGHIỆM KẸO DẺO (”The Marshmallow Experiment”).

Trong thí nghiệm, người ta đặt mỗi đứa trẻ 3-5 tuổi ngồi trước một chiếc kẹo dẻo, và nói với bé rằng: Nếu có thể đợi trong một khoảng thời gian nhất định mà không ăn kẹo, nhà nghiên cứu sẽ quay lại và đưa cho bé một chiếc kẹo nữa; còn nếu không chờ được mà ăn mất chiếc kẹo trước mặt, bé sẽ chỉ có được một chiếc kẹo duy nhất đó thôi.

Kết quả là: Một số bé đã kiềm chế được cơn thèm và chờ để nhận thêm chiếc kẹo thứ 2; trong khi một số bé khác đã ăn kẹo ngay lập tức, hoặc sau một thời gian ngắn.

Điều làm thí nghiệm này nổi tiếng là: Hơn 10 năm sau, khi Mischel và nhóm nghiên cứu theo dõi sự phát triển của những đứa trẻ đã tham gia ngày trước, họ phát hiện: Nhóm trẻ đã chờ để nhận thêm kẹo có điểm SAT cao hơn, tỷ lệ hoàn thành đại học cao hơn, khả năng tài chính tốt hơn, tỷ lệ mỡ thừa thấp hơn… – nói chung là sống tốt hơn – nhóm trẻ đã không chờ và ăn viên kẹo dẻo.

“Bé nhịn kẹo, lớn thành công”. Trong hàng thập kỷ tiếp theo, thông điệp thường được rút ra được từ thí nghiệm kẹo dẻo của Walter Mischel là: “Nếu khi còn bé, bạn có khả năng kiểm soát bản thân tốt trước cám dỗ, thì lớn lên, (khả năng cao) bạn sẽ thành công.”

Nhưng mà, như chúng ta đã biết, loài người là một giống loài vô cùng phức tạp. Nếu chỉ cần đưa cho đứa trẻ một viên kẹo là biết được sau này nó thành công hay không, thì người ta cần gì đến hệ thống giáo dục, hay các bài thi đánh giá năng lực như SAT, GMAT… nữa? Liệu có vấn đề gì với thí nghiệm kẹo dẻo của Walter Mischel không?

Thí nghiệm kẹo dẻo (2) – Celeste Kidd

Celeste Kidd là một nhà tâm lý học tại Đại học California, Berkeley. Kidd từng có thời gian làm tình nguyện viên tại một trại trẻ, nơi tập trung các em nhỏ có cha mẹ nghiện ngập, đi tù, hoặc bạo lực… Đây là nơi cô đã quan sát được cuộc sống, hành vi, suy nghĩ của những đứa trẻ buộc phải lớn lên trong môi trường khắc nghiệt, không biết ngày mai sẽ ra sao.

Lần đầu nghe về Thí nghiệm kẹo dẻo của Walter Mischel, Kidd đã nghĩ ngay đến những đứa bé ở trại trẻ: “Tôi biết chắc rằng các em ấy sẽ ăn viên kẹo dẻo đầu tiên NGAY LẬP TỨC, thậm chí là ngay khi viên kẹo được đặt xuống bàn. Và điều đó khiến tôi buồn. Chẳng lẽ điều đó đồng nghĩa với việc chắc chắn các em tại trại trẻ sẽ không thể thành công sau này hay sao?”

Theo Kidd, cốt lõi của tâm lý học xã hội là sự liên kết không thể tách rời giữa “tâm lý” – những gì ở trong đầu ta – và “xã hội” – môi trường bên ngoài ta. Ta nghĩ rằng tự thân ta hoàn toàn làm chủ số phận của mình? Không hẳn nhé! Đúng là ta có quyền lựa chọn suy nghĩ, hành vi của bản thân, nhưng điều mà hầu hết chúng ta đánh giá thấp là tầm ảnh hưởng của môi trường xung quanh lên thế giới quan của ta.

Từ đây, Kidd đặt vấn đề: Thí nghiệm kẹo dẻo của Walter Mischel được thực hiện cùng những đứa trẻ khá giả – lớn lên trong môi trường ổn định, an toàn – tại Stanford. Vậy kết luận của thí nghiệm về mối liên hệ giữa “ăn viên kẹo” và “thành công trong cuộc sống” liệu có chính xác nếu áp cho với những đứa trẻ đến từ những nhóm xã hội khác nhau, chẳng hạn với những em lớn lên trong môi trường khắc nghiệt hơn?

Kinh nghiệm của Kidd tại trại trẻ đã thúc đẩy cô đưa ra một giả thuyết mới: Thí nghiệm kẹo dẻo thực ra đang kiểm tra kỳ vọng của mỗi đứa trẻ về tính ổn định và sự đáng tin cậy của thế giới xung quanh?

Thế là Kidd thực hiện Thí nghiệm kẹo dẻo 2. Trong thí nghiệm này, nhóm nghiên cứu hứa hẹn với những đứa trẻ tham gia cùng một lời hứa ngay trước khi hoạt động ăn kẹo dẻo (giống như trong thí nghiệm của Walter Mischel) bắt đầu. Tuy nhiên, với lời hứa trên, những đứa trẻ thực chất được chia làm 2 nhóm: Nhóm (1) được giữ lời hứa; và nhóm (2) bị thất hứa.

Kết quả bài kiểm tra kẹo dẻo không bất ngờ cho lắm: nhóm được giữ lời hứa (1) đã chờ đợi lâu hơn 4 lần so với nhóm bị thất hứa (2) để có được viên kẹo dẻo thứ hai.

Với nhóm được giữ lời hứa (1), chúng đã có cơ sở để tin rằng người nghiên cứu sẽ làm những gì họ nói. Cho nên, khi bước vào hoạt động ăn kẹo dẻo, chúng vững tin hơn ở lời hứa của người nghiên cứu “Chịu khó đợi chút và đừng ăn cái kẹo trên bàn. Cô đi một lát rồi sẽ mang cho con một cái kẹo nữa.”, và đợi lâu hơn.

Còn ở nhóm (2), khi một đứa trẻ bị thất hứa, dù chỉ một lần, niềm tin của chúng với những lời hứa tiếp theo từ người nghiên cứu sẽ giảm mạnh. Điều này làm nhóm bị thất hứa (2) không tin rằng người nghiên cứu sẽ quay lại với một viên kẹo dẻo thứ hai. Và vì vậy, chúng ăn luôn viên kẹo đầu tiên cho rồi.

Kidd và nhóm nghiên cứu lập luận rằng: Việc một đứa trẻ có ăn kẹo dẻo hay không không chỉ phản ánh khả năng tự kiểm soát bản thân của bé, mà cũng phản ánh bé có tin tưởng vào sự ổn định và đáng tin cậy (reliability & predictability) của thế giới hay không.

Heard about "The Marshmallow Experiment"? - Fyp | Blog

Vậy tóm lại có nên ăn miếng kẹo dẻo không?

Điều đầu tiên nảy ra trong đầu tớ khi biết về thí nghiệm kẹo dẻo (2) của Celeste Kidd là “Oh, so indeed there’s always room for improvement!” (”Ồ, vậy đúng là mọi thứ luôn có thể được hoàn thiện hơn!”).

Trong nhiều năm, người ta đã luôn nhìn nhận thí nghiệm kẹo dẻo (1) của Walter Mischel là nghiên cứu cung cấp bằng chứng khoa học cho tầm quan trọng của khả năng tự kiểm soát trong cuộc sống, để rồi 40 năm sau, Kidd cung cấp một góc nhìn bổ sung, mở rộng vấn đề.

Cùng một vấn đề, nhưng sẽ luôn có nhiều cách nghĩ khác nhau, bổ trợ cho nhau. Ở thế kỷ 21, chúng ta đang sống trong một phương trình quá nhiều biến số, cần lưu ý lựa chọn thông tin và góc nhìn cho phù hợp.

Thực ra, kể cả khi đã lựa chọn được góc nhìn rồi, nên chăng ta vẫn cần để ngỏ một “cửa hậu” sâu trong đầu, ghi nhớ rằng “chân lý” mới có thể được cập nhật bất kỳ lúc nào, và chân lý của chúng ta chưa chắc đã áp dụng được trong hoàn cảnh của người khác?

P.s.

Nếu cậu muốn tìm hiểu thêm về 2 Thí nghiệm kẹo dẻo trên, thì có thể tham khảo PODCAST NÀY nhé!

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top