Giới thiệu nội dung (không spoiler)
1984 (George Orwell) xuất bản lần đầu năm 1949, lấy bối cảnh một xã hội tương lai bị kiểm soát bởi một chính quyền độc tài. Trong truyện, chính quyền độc tài kiểm soát tuyệt đối mọi thông tin, mọi khía cạnh của con người: ngôn ngữ, tin tức, thậm chí cả lịch sử.
Animal Farm (George Orwell) ra đời năm 1945, kể về một nông trại nơi các con vật nổi dậy chống lại sự áp bức của chủ nhân (là con người), rồi lập ra một xã hội mới dựa trên nguyên tắc công bằng và đồng lòng giữa các con vật. Đây là một câu truyện với nhiều ẩn dụ hay ho về cách xã hội, chính trị vận hành.
Brave New World (Aldous Huxley) ra đời năm 1932, viết về một tương lai xa xôi, khi con người đã đạt đến “đỉnh cao” của khoa học và công nghệ. Xã hội trong Brave New World được tổ chức theo một cách hoàn toàn khác với xã hội loài người mà chúng ta đang biết. Nơi đây, mọi khái niệm về tình yêu, hạnh phúc, sự tồn tại của mỗi cá nhân đều được lập trình và kiểm soát thậm chí từ trước khi mỗi cá nhân ra đời.
3 cuốn tiểu thuyết trên làm tớ nghĩ về điều gì?
1⃣ Rất nhiều thứ chúng ta đang theo đuổi và tin tưởng suy cho cùng chỉ là imagined orders – những quy tắc tưởng tượng do cộng đồng quanh ta tự đặt ra và đồng thuận với nhau. Trong một vũ trụ song song, những gì được coi là “chuẩn mực” có thể rất khác.
2⃣ Hạnh phúc mang tính chủ quan. Chỉ có chủ thể mới đo lường được bản thân hạnh phúc đến đâu. Chính vì vậy, việc đánh giá “giùm” người khác mức độ hạnh phúc của họ dựa trên thang đo hạnh phúc của mình, thực ra là vô nghĩa.
3⃣ Thế nào là “con người”? Điều gì làm “con người” khác “con vật”? Điều gì làm “Con người” khác “máy móc”? Điều gì làm “con người” khác nhau? – Điểm số 3 này không phải một thông điệp, mà là một câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu tớ, chưa tìm ra câu trả lời.
Vậy tóm lại 3 cuốn tiểu thuyết phản địa đàng này có đáng đọc không? Nếu gu của cậu là những cuốn sách như “Sapiens: Lược Sử Loài Người”, sách của Đặng Hoàng Giang, hay đam mê tìm hiểu những vấn đề về xã hội, nhân bản… thì tớ highly recommend nhé!
P.s.
(Phần này sẽ có ý nghĩa và dễ hiểu hơn nhiều nếu cậu đã đọc xong Brave New World đấy. Cậu có thể tạm lưu bài viết này, rồi quay lại tham khảo đoạn dưới đây sau khi đã hoàn thành cuốn sách nhé!)
Sau khi đọc Brave New World, tớ có tìm đọc thêm các bài review, phân tích trên mạng. Và điều hay ho là: cảm nhận của tớ về cuốn tiểu thuyết khá “lệch” so với những người đọc khác.
Hầu hết những bài review tớ đọc được đều nhìn xã hội trong Brave New World như một địa ngục tràn đầy sự sai trái, và nhận định cuốn tiểu thuyết như một lời “cảnh tỉnh” cho xã hội loài người. Còn tớ thì… chỉ coi đó là một xã hội rất KHÁC thế giới hiện tại thôi, KHÁC chứ không SAI.
Ở xã hội trong Brave New World, hầu hết loài người đều ở trạng thái “vô tri một cách hạnh phúc” (blissfully ignorant). Cuộc sống của họ thực ra không được độc lập – tự do – hạnh phúc theo chuẩn thế kỷ 21, nhưng họ không biết điều đó (nói đúng hơn là không thể biết – tớ viết đến thế này thôi, không spoil sâu hơn đâu), cho nên họ luôn ở trong trạng thái hạnh phúc và mãn nguyện.
Như vậy, nếu người ta đang “vô tri một cách hạnh phúc”, hay “hạnh phúc một cách vô tri”, chúng ta có cần phải đập vỡ sự vô tri đó, để rồi người ta sống khổ sống sở sau khi biết “sự thật” không? Suy cho cùng, hạnh phúc quan trọng hơn, hay sự thật quan trọng hơn?
Mà làm sao chúng ta biết được một điều là “sự thật”, chứ không phải chỉ là góc nhìn của cá nhân ta, của xã hội hiện tại về sự thật đó?