1 năm “làm sếp”, và phát hiện đầu tiên

Giữa năm 2022, tớ chính thức có team member đầu tiên tại nơi làm việc. Sau 3 năm đi làm ở vai individual contributor (người làm việc độc lập), vai trò people manager (quản lý con người) một lần nữa trở lại với tớ.

Nhìn lại hành trình một năm chập chững làm quản lý, tớ nghiệm ra một điểm khá hay ho thế này: Giống như trẻ con bắt chước ba mẹ, tớ đã vô thức “sao y bản chính” cách quản lý của những leader tớ yêu mến nhất. Nói cách khác, trước đây, các leader tốt đối xử với tớ thế nào, thì tớ đã đối xử tương tự với team member của mình.

Dưới đây là 3 hành vi nổi trội nhất tớ đã “sao” từ các sếp trong năm vừa qua.

———————

1. Leader có thể bận trên trời dưới biển, nhưng không bao giờ từ chối khi team member tìm kiếm sự hỗ trợ – có thể hẹn lại lịch, có thể làm thêm giờ, nhưng tuyệt đối không từ chối.

Ngày xưa, từng có một hôm tớ bất ngờ bị ốm. Khi tớ nhắn sếp, mếu máo rằng: “Anh ơi, em bị sốt nhức đầu không dậy được, mà chiều nay cần làm X :(”, ảnh đã không ngần ngại trả lời: “Không sao. Em nghỉ ngơi đi. Task đó để anh làm cho.”

Sau này tớ mới biết, hôm đó, ảnh cũng có vài cái deadline quan trọng của ảnh nữa, và ảnh đã phải sắp xếp lại mọi thứ, cộng làm thêm giờ, để xử giùm tớ task X.

Bây giờ, tớ luôn ưu tiên trả lời tin nhắn, email từ team member. Khi nghỉ phép, tớ tắt mọi noti công việc nói chung, nhưng lại luôn mở một kênh “bí mật” để team member có thể liên hệ tớ khi bạn cần.

———————

2. Leader cần chấp nhận rủi ro để team member có thể học và lớn.

Ngày xưa, có sếp đã giao tớ đứng MC một chương trình siêu lớn để hỗ trợ tớ xây dựng thương hiệu cá nhân với các bên liên quan khi tớ mới gia nhập được vài tháng. Có sếp đã giao tớ quản một dự án tiền tỷ của công ty khi tớ mới có 2 năm kinh nghiệm.

Sau này tớ mới hiểu, mở cho tớ cơ hội đồng nghĩa với việc các sếp chấp nhận rủi ro tớ có thể không thành công, chính các sếp cũng có thể bị các sếp lớn hơn phê bình. Nhưng leader phải chấp nhận rủi ro đó, team member mới rướn, mới phát triển được.

Bây giờ, tớ cũng “bắt chước” thả dự án cho team member, cho bạn quyền quyết định, động viên bạn chủ động đề xuất ý tưởng (tất nhiên có mentoring và hỗ trợ). Sếp lớn hơn mắng cũng được, quan trọng là team member có thể học và lớn.

———————

3. Leader cần nhìn nhận team member như một con người hoàn chỉnh. Đã là người, ai cũng có điểm mạnh và điểm yếu. Đã là người, thì ngoài công việc, người ta có đam mê, sở thích, mục tiêu cá nhân nữa.

Ngày xưa, trong lộ trình Management Trainee, tớ chỉ có thời gian 3-6 tháng ở mỗi rotation. Nhưng hầu hết các sếp và đồng nghiệp ở mỗi rotation vẫn dành 100% công lực để bồi dưỡng, tạo điều kiện cho tớ học, không vì “bạn chỉ ở đây vài tháng rồi đi” mà hời hợt trong việc “chăm sóc” tớ.

Sau này tớ mới nhận ra, đầu tư thời gian và công sức cho một người chỉ ở trong team vài tháng, các sếp đã chọn đặt “phát triển một con người hoàn thiện” lên trên những lợi ích trực tiếp về mặt công việc, kinh doanh cho team họ đang quản lý.

Bây giờ, tớ cũng đang học cách nhìn nhận và hỗ trợ mỗi team member như một con người hoàn chỉnh. Một lần, team member đã chia sẻ nguyện vọng theo đuổi một vị trí khác, một lộ trình tớ hiểu rõ là sẽ tốt hơn cho bạn nhiều so với vị trí hiện tại. Tớ đã chọn hết lòng hỗ trợ, đồng hành cùng bạn trong quá trình bạn apply, dù về mặt lý thuyết, việc đó đồng nghĩa với tớ sẽ “mất” đi nhân sự đó. Nhưng tớ không coi đó là “mất”. Công việc có thể thay đổi theo thời gian, còn những mối quan hệ ý nghĩa sẽ ở lại với ta cả đời.

———————

Nếu bạn gặp được sếp tốt, hãy lưu lại những điểm cậu thích về cách họ làm việc, và sau này, khi đã ở vị trí quản lý, cậu thử “bắt chước” trong những trường hợp phù hợp nhé. Những điểm cậu không thích cũng có thể được lưu lại, để bản thân cậu sau này nhớ, và làm khác đi.

Cá nhân tớ biết hành trình trở thành một leader của tớ mới chỉ bắt đầu, và bản thân còn nhiều thứ để học lắm. Bài viết hôm nay giống như một đoạn nhật ký, lưu lại những điều tớ cảm và nghĩ ở mốc tròn 1 năm tớ biết mùi “làm sếp” là gì.

Leave a Comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Scroll to Top